Liên tiếp các vụ học sinh tự tử những ngày gần đây khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Các chuyên gia cho rằng, gia đình và xã hội cần thay đổi cách giáo dục, yêu thương con cái để trẻ vượt qua trầm cảm tuổi học đường.
- Những sai lầm khi dạy con ở tuổi mầm non mà ba mẹ nên tránh để giúp con phát triển toàn diện
- Làm thế nào khi trẻ bị dị ứng thực phẩm và viêm da
Dù sống trong điều kiện thuận lợi nhưng áp lực học hành, tiếp cận mạng xã hội sớm, mâu thuẫn gia đình… đang khiến nhiều đứa trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, dẫn tới những hành động mất kiểm soát.
Liên tiếp các vụ học sinh tự tử vì trầm cảm, áp lực
Theo thông báo của UNICEF, có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trên thực tế đã có rất nhiều em đã bị rối nhiễu tâm trí, nhiều em chuyển thành bệnh thực thể như lo âu, trầm cảm... và hậu quả là những vụ thanh thiếu niên tự thương và tự tử rất thương tâm.
Điều đáng nói khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học hành. Cụ thể, vào cuối tháng 3 vừa qua, một nữ sinh lớp 9 ở một chung cư tại quận Hai Bà Trưng rơi từ tầng 26 của tòa nhà xuống đất tử vong. Cũng thời điểm đấy, một nữ học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh cũng đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Nguyên nhân của các em tự tử đều liên quan đến áp lực học hành, thi cử.
Mới đây, đầu tháng 4 cũng xảy ra sự việc một nam sinh lớp 10 của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhảy lầu quyên sinh. Trong bức thư cuối cùng mà nam sinh này để này, cậu bé viết, đã chịu nhiều áp lực từ việc học tập cũng như không nhận được sự động viên, cảm thông đúng mực từ phía bố mẹ. Trước áp lực học hành ấy, cậu bé đã dại dột tìm đến cái chết.
Trong khi nhiều người chưa hết ám ảnh về vụ việc đau lòng trên thì chỉ cách đó vài ngày, vào ngày 4/4, tại chung cư The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông) cũng lại xảy ra vụ việc thương tâm khi một học sinh cấp 2 rơi từ căn hộ cao tầng xuống tử vong.
Liên tiếp những tin buồn về việc học sinh không thể vượt qua áp lực cuộc sống khiến chúng ta không khỏi xót xa. Áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn của các bậc làm cha, làm mẹ đang đè nặng lên vai nhiều đứa trẻ, khiến các em rơi vào trầm cảm, dẫn đến tự giải thoát bằng biện pháp tiêu cực.
Thành tích và áp lực là cần thiết để phát triển nhưng cần thay đổi
Trước những sự việc trên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, rõ ràng chuyện trầm cảm ở học trò hiện nay là khá phổ biến.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thông tin, thống kê cho thấy tỉ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm vị và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Những vụ việc học sinh tự sát liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như giọt nước làm tràn ly làm xã hội băng khoăn, lo lắng.
Dân gian có câu “Nhân chi sơ tính bản thiện”, vai trò của gia đình với tuổi học đường rất quan trọng. Cha mẹ đừng nên tạo áp lực cho con trẻ để các em được phát triển vui tươi.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, yêu thương là chìa khóa để giáo dục trẻ em, trẻ vị thành niên. Do đó, cha mẹ và thầy cô phải là tấm gương sáng cho con noi theo.
"Điều cha mẹ mong muốn ở con cái không gì ngoài việc con tử tế, vì thế hãy quan tâm con về trí tuệ, đạo đức, hạnh phúc. Thầy cô cần yêu thương học sinh, làm sao để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, vừa dạy chữ, vừa dạy cách làm người, để mỗi kỳ thi học sinh cảm thấy mình trưởng thành hơn chứ không phải nỗi sợ hãi", Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.
Về vấn đế này Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn nhận định: "Dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, nhìn chung, chúng ta đang chạy theo chứ chưa chủ động tính trước được... hậu Covid. Nếu để ý về tâm lý chúng ta dễ dàng nhận ra, sau một sự cố muốn tái khởi động chúng ta phải từ từ…
Gần 2 năm nghỉ hoặc học online, tại sao chúng ta không có lộ trình, tái khởi động bằng cách cho các em vừa chơi vừa học. Sau 2-3 tháng ổn định tinh thần mới học đúng theo thời khoá biểu. Tại sao chúng ta không đặt lại mục tiêu?
Vừa trở lại đã học như ban đầu, học bù thời gian nghỉ thì không khác gì chúng ta bắt người vừa ốm dậy phải gánh nặng gấp đôi. Giá như nhà trường có tính đến lộ trình cho học sinh trở lại thì không có gì phải sốc. Nếu mỗi giai đoạn chúng ta đặt mục tiêu vừa tầm, vừa sức thì sẽ không cảm thấy quá áp lực như vậy".
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cùng quan điểm cho rằng, thành tích và áp lực là cần thiết để phát triển nhưng cần phải thay đổi các tiêu chí. Thay vì chỉ đánh giá về lực học, về đạo đức thì cũng cần có những đánh giá toàn diện như đánh giá về các hoạt động ngoại khoá, đánh giá về các chỉ số hạnh phúc của trẻ khi đến trường.
Khẩu hiệu thi đua học tốt, dạy tốt không có nghĩa là chạy theo thành tích. Bệnh thành tích là việc đặt mục tiêu quá lớn, quá sức, là khi áp lực không thể kiểm soát.