Trầm cảm ở trẻ tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Vậy làm thế nào để nhận biết sớm rối loạn trầm cảm ở trẻ?
- 9 vấn đề sức khỏe thường gặp trong thai kỳ, số 2 nhiều người mắc phải: Mẹ bầu cần làm gì để khắc phục?
- Mẹ bầu có 3 biểu hiện này đi khám thai ngay kẻo hối không kịp
Trầm cảm là gì?
Theo ThS.BS Lê Công Thiện - Trưởng Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung.
Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, vì vậy trẻ rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, sự chỉ trích hoặc không đạt thành tích trong học tập...
Trầm cảm ở tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Tỉ lệ trẻ mắc trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. Có thể nói, rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.
Trầm cảm ở tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể và kết quả học tập của trẻ. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây trầm cảm ở trẻ tuổi học đường
Trầm cảm ở trẻ lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone.
ThS.BS Lê Công Thiện chia sẻ, khả năng di truyền ở trẻ nữ bị trầm cảm cao hơn ở trẻ nam. Tỷ lệ trầm cảm ở trẻ sinh đôi cùng trứng là 65% - 75%, trong khi trẻ sinh đôi khác trứng là 14% - 19%. Điều đáng chú ý là những cặp bố mẹ bị trầm cảm thì có tỷ lệ con cái mắc trầm cảm tăng gấp 3 đến 4 lần so với những bố mẹ khỏe mạnh. Mức độ phơi nhiễm với trầm cảm trong các giai đoạn trước/sau khi sinh được coi là đặc biệt quan trọng.
Bên cạnh yếu tố di truyền còn có nguyên nhân về tâm lý xã hội. Theo bác sĩ, có thể trẻ bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội. Cùng với đó là sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh. Những sự kiện tiêu cực trong đời sống như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em.
Tuy nhiên, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống như phải bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm... cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm.
Bác sĩ Thiện nhấn mạnh, tương tác gia đình có vai trò quan trọng đối với sự khởi phát triệu chứng trầm cảm. Phong cách giáo dục của cha mẹ đã được xác định là yếu tố chính trong sự điều chỉnh về mặt tâm lý ở trẻ em và trẻ vị thành niên.
Hành vi của cha mẹ được nghiên cứu trên 2 góc độ: sự ấm áp và kiểm soát. Sự ấm áp có liên quan đến những khía cạnh như sự gắn bó, bày tỏ tình cảm, sự tôn trọng và quan tâm tích cực của cha/mẹ hoặc người chăm sóc chính. Trầm cảm ở trẻ em có liên quan đến nhận thức của chúng về việc được chấp nhận hoặc bị từ chối bởi người chăm sóc.
Trẻ bị rối loan trầm cảm thường có biểu hiện tuyệt vọng, từ chối mọi hoạt động, sống thu mình. Ảnh minh họa
Những dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ
Các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt sau:
- Về mặt cảm xúc, trẻ dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ.
- Trẻ trở nên thờ ơ, tuyệt vọng, từ chối mọi hoạt động, sống thu mình.
- Khí sắc của trẻ thường trầm vào buổi sáng, gương mặt bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp, gặp các vấn đề về hiệu suất/thành tích, suy giảm nhận thức.
- Trẻ bị rơi vào trạng thái lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm và lo sợ tương lai.
- Nhiều trẻ thể hiện qua triệu chứng cơ thể như ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, không có khả năng thư giãn và nghỉ ngơi.
- Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt.
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, đặc biệt là khi trẻ thoáng có nói đến ý tưởng muốn chết, cha mẹ hoặc người thân của trẻ nên đưa trẻ đến khám ở các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.