Từ vụ cháy nhà 11 người chết, cần quan sát ở một góc độ khác, ngoài chuyện phóng hỏa đốt nhà, đó là việc chấp hành an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong dân cư, nhất là cơ sở kinh doanh.
- Luật sư Lê Hồng Vân: Kẻ phóng hỏa quán cà phê làm 11 người tử vong có thể đối diện án tử hình
- Kẻ đổ xăng phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết: Khai nhận hành vi đốt là do quá bực tức, không biết có nhiều người bên trong
Theo thông tin từ báo Dân Trí, sáng 19/12, UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê tại số 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) khiến 11 người tử vong.
UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội được giao phối hợp với Chủ tịch quận Bắc Từ liêm và các đơn vị có liên quan, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.
Hà Nội giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm hỏi, động viên đối với gia đình các nạn nhân là học sinh đang theo học tại các trường của thành phố đảm bảo kịp thời, theo quy định (nếu có).
UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và thành phố liên quan đến phòng cháy chữa cháy và quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số các công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy, UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ.
Theo thông tin từ báo Lao Động, cơ quan điều tra đang điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích gây án của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Nhưng từ vụ cháy nhà 11 người chết, cần quan sát ở một góc độ khác, ngoài chuyện phóng hỏa đốt nhà, đó là việc chấp hành an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong dân cư, nhất là cơ sở kinh doanh.
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động tại hiện trường, căn nhà bị cháy xây kiểu dạng ống, cao 4 tầng (cả tầng tum). Bên ngoài các tầng 2 và tầng 3 có biển hiệu và khung thép chắn kín.
Với căn nhà ống, hai bên và phía sau là tường kín, chưa biết có lối thoát hiểm hay không. Mặt trước lại có biển hiệu che chắn, thêm các khung thép như hàng rào. Nếu thiết kế và xây dựng như vậy, có hỏa hoạn thì trời cũng không cứu được.
Nguy hiểm là ở chỗ, ngôi nhà là cơ sở kinh doanh cà phê "Hát cho nhau nghe".
Câu hỏi đặt ra, đó là một cơ sở kinh doanh không đảm bảo về an toàn PCCC, nhưng vẫn hoạt động. Vậy thì cơ quan chức năng ở đâu, cần phải điều tra làm rõ vấn đề này, nếu có vi phạm, ai là người chịu trách nhiệm.
Vụ hỏa hoạn nào cũng vậy, sau khi xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, khi đó mới phát hiện không đảm bảo các quy định về an toàn PCCC.
Vụ cháy này cũng cảnh báo cho nhiều người, đó là hãy tự bảo vệ mình trước khi chờ lực lượng cứu hỏa. Cách tự bảo vệ là không nên bước vào các cơ sở kinh doanh cà phê, karaoke hay nơi tụ tập đông người nhưng không đảm bảo an toàn về PCCC.
Bước vào một nhà ống bịt kín, không có lối thoát, có nhiều người vui chơi ca hát ở tầng trên, là tự đưa mình đến nơi nguy hiểm.
Mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức về PCCC, trước hết là phải biết quan sát, nhận ra nơi không an toàn. Thứ hai là khi gặp hỏa hoạn, phải có kỹ năng sống sót chờ ứng cứu.