Xây dựng một gia đình hạnh phúc là ước mơ của rất nhiều người, mặc dù định nghĩa về hạnh phúc của mỗi người có thể không giống nhau.
- 3 điều cần tránh khi nuôi dạy con trai, tối kỵ nhất là dùng đòn roi
- Nghỉ hè để con ở nhà một mình: Nên không, cần tuân thủ điều gì?
Nếu bạn muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc, hãy cân nhắc những bí quyết dưới đây.
1. Giao tiếp ít nhất 30 phút mỗi ngày
Giao tiếp là một yếu tố quan trọng đối với bất kỳ mối quan hệ nào, kể cả quan hệ gia đình.
Hãy dành thời gian hàng ngày để trao đổi, trò chuyện với các thành viên trong gia đình, ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Giờ ăn tối là thời điểm thích hợp nhất để làm việc này, hãy cố gắng ăn tối cùng nhau để từng thành viên trong gia đình kể lại những hoạt động của mình trong cả ngày.
Giao tiếp cũng là yếu tố then chốt tạo nên mối quan hệ bền chặt giữa cha mẹ và con cái, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và giáo dục trẻ.
Những đứa trẻ thường xuyên giao tiếp với cha mẹ sẽ cởi mở hơn khi thảo luận vấn đề và tự tin bày tỏ quan điểm của mình.
Đừng quên rằng trong những thời điểm như vậy, bạn cần tắt mọi thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, TV để tránh ảnh hưởng đến tương tác của gia đình.
Trong những thời điểm khó khăn, giao tiếp cũng sẽ giúp bạn và gia đình cùng nhau giải quyết rắc rối.
2. Tổ chức các hoạt động chung
Thường xuyên thực hiện các hoạt động vui chơi chung cũng là một cách để tăng cường tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Cha mẹ và con cái có thể cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động như đạp xe thể dục buổi sáng, ăn tối tại nhà hàng yêu thích mỗi tháng một lần hoặc đi du lịch cùng nhau.
Đi du lịch, nghỉ dưỡng cùng gia đình không chỉ tạo điều kiện để cha mẹ dành một khoảng thời gian trọn vẹn cho con cái, mà còn có thể cải thiện chất lượng giao tiếp và mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
3. Cân bằng cuộc sống gia đình và công việc
Việc này không đơn giản nhưng là yếu tố rất quan trọng để có một gia đình hạnh phúc.
Khi dành thời gian cho gia đình, bạn hãy tạm quên đi công việc. Đừng xem điện thoại hay trả lời email khi đang dành thời gian đi chơi với gia đình.
Như vậy, con cái và vợ/chồng của bạn sẽ cảm thấy được ưu tiên, thoải mái và tự tin hơn.
Nếu bạn luôn ưu tiên cho công việc, người nhà của bạn có thể cảm thấy họ không giá trị bằng công việc của bạn.
4. Cùng nhau đưa ra quyết định
Các quyết định trong gia đình nên được đưa ra và đồng thuận bởi tất cả các thành viên trong gia đình.
Bạn nên làm quen với việc để con trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận trong gia đình, nhất là để quyết định những vấn đề liên quan đến con.
Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường cởi mở và quen với việc bày tỏ quan điểm cá nhân sẽ tự tin hơn khi trưởng thành.
Ngoài ra, những đứa trẻ giúp đưa ra quyết định về các quy tắc trong gia đình thường sẽ tuân thủ quy tắc tốt hơn, giúp rèn tính kỷ luật cho trẻ.
Bạn có thể bắt đầu bằng những quyết định đơn giản, chẳng hạn như đi du lịch ở đâu, ăn tối ở nhà hàng nào, lịch dọn dẹp phòng,...
Cùng nhau quyết định cũng giúp tạo ra cảm giác thân thuộc và làm mỗi thành viên cảm thấy mình quan trọng đối với gia đình.
5. Duy trì hạnh phúc vợ chồng
Con cái học được nhiều điều từ cha mẹ. Trẻ có thể ghi nhớ và học hỏi mọi điều trẻ nhìn thấy.
Vì vậy, nếu bạn muốn dạy cho con thái độ yêu thương, thì không có cách nào tốt hơn là thông qua tương tác giữa bạn với vợ/chồng mình.
Sự giáo dục trong gia đình là rất quan trọng, vì đó sẽ là nền tảng cho trẻ khi hòa nhập với xã hội.
Một cách để tránh nêu gương xấu là đừng bao giờ gây gổ trước mặt con cái. Khi hai vợ chồng bạn có mâu thuẫn, hãy giải quyết một cách bình tĩnh.
Hãy nói chuyện để tháo gỡ, tránh quát tháo, la mắng nhau, đặc biệt là khi có mặt con.
Nếu con bạn vô tình thấy vợ chồng bạn cãi nhau, hãy giải thích với con rằng bất đồng là điều tự nhiên, và cuộc tranh cãi giữa hai bạn sẽ không kéo dài quá lâu.