Đến hẹn lại lên, nghỉ hè là lúc bố mẹ đau đầu tìm cách trông con, không dễ dàng gì khi quyết định để con ở nhà một mình.
- Điều gì xảy ra khi trẻ bị so sánh với “con nhà người ta”?
- Quy tắc 3 “Không” nuôi con ngoan, cha mẹ không áp lực
Để con ở nhà một mình đối với nhiều bậc cha mẹ là điều không tưởng nhưng với số khác, đây là một thực tế phổ biến, đặc biệt khi trẻ đã lớn.
Catherine Pearlman, nhà trị liệu gia đình Mỹ cho biết có một số yếu tố quan trọng cần xem xét khi quyết định để con ở nhà một mình.
“Điều này phụ thuộc sự trưởng thành của đứa trẻ, số lượng trẻ ở nhà, khoảng thời gian trẻ ở một mình và tình trạng gia đình đang sống" – Bà nói.
Ảnh minh họa.
Theo Pearlman, cha mẹ có thể nghĩ đến việc để con ở nhà một mình khi trẻ ở độ tuổi từ 11 trở lên. Khi con lớn hơn và có năng lực tự lập, cha mẹ có thể dần cho con thời gian ở một mình, kéo dài từ vài tiếng đến cả ngày.
Đầu tiên và quan trọng nhất, cần kiểm tra mức độ thoải mái của trẻ khi ở nhà một mình. Trong khi một số trẻ thích thú, hào hứng vì có không gian riêng, số khác có thể trải lo lắng.
Cha mẹ cần đặt ra một vài câu hỏi cơ bản: Trẻ có thể tự lo cho các nhu cầu cơ bản của chúng không? Trẻ có thể làm những việc cần phải làm trong những trường hợp khẩn cấp khác nhau không? Trẻ có thể tự đưa ra quyết định được không? Trẻ có thể chủ động yêu cầu sự giúp đỡ từ hàng xóm, khi gặp khó khăn không?
Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm đến số lượng trẻ ở nhà. Suzanne Hayes, một nhà văn tự do và là mẹ của 3 đứa con, nói rằng cô không thể để ba đứa trẻ trông nhau ở nhà vì chúng sẽ tạo ra sự hỗn loạn với những trận đánh nhau hoặc những tin nhắn "mách" về việc chúng đã bị những đứa còn lại trêu chọc ra sao. Do đó, nếu bạn để những đứa con ở nhà, cần đoan chắc chúng có khả năng trông nhau mà không gây rắc rối.
Quy tắc cần áp dụng khi trẻ ở nhà một mình
Cần trang bị cho con một chiếc điện thoại và đảm bảo rằng con có thể tự bấm gọi được cho bố mẹ.
Dạy con ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ hoặc ghi lại số điện thoại của bố mẹ và người thân có thể gọi khi cần giúp đỡ.
Nếu có thể, hãy lắp đặt camera trong nhà và quanh nhà để bạn có thể giám sát từ xa.
Luôn chuẩn bị đồ ăn cho con trước khi bạn ra khỏi nhà và dặn con giờ ăn, ngủ, đồng thời bố mẹ cũng cần gọi điện về cho con ít nhất 2 tiếng một lần.
Ảnh minh họa.
Khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà.
Dạy con nhận biết các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm bé không được sờ vào.
Tuyệt đối không được khóa cửa nhốt con ở trong nhà mà không để lại chìa khóa cho con. Vì nếu lỡ trong nhà có hỏa hoạn hoặc mối nguy hiểm thì bé sẽ không thể thoát ra được và người khác cũng không thể cứu giúp kịp thời.
Dặn con tuyệt đối không bao giờ được bước chân ra khu vực ban công.
Không nên để trẻ sử dụng bếp hoặc lò nướng, trừ khi con đã lớn hẳn và có kinh nghiệm nấu ăn.
Không cho ai vào nhà, và ngược lại, không sang nhà ai, nếu không được phép.
Cha mẹ có thể thiết lập các quy tắc về thời lượng xem các thiết bị điện tử khi cha mẹ vắng nhà.
Trẻ có thể làm gì khi ở nhà một mình?
Rất ít khả năng trẻ sẽ chọn làm bài tập về nhà hoặc dọn dẹp nhà cửa khi ở nhà một mình. Thay vào đó, Pearlman gợi ý cha mẹ hãy lên kế hoạch cho các hoạt động, phim ảnh, trò chơi và đồ ăn sẽ khiến trẻ thích thú khi tự mình thực hiện.
Bà nói: “Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, trẻ em sẽ hào hứng khi được tự lập, xây dựng sự tự tin. Bạn nên lập cho chúng một kế hoạch được liệt kê cụ thể, ví dụ làm gì buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều... Chính điều này khiến trẻ sinh hoạt điều độ”.