Sự kết hợp hoàn hảo giữa các món ăn tạo nên một mâm cơm thơm ngon lại đặc biệt tốt cho sức khỏe và sắc đẹp.
- Bữa tối giảm cân hiệu quả với món salad khoai lang cá hồi
- Thực đơn cơm tối 3 món dễ làm mà chuẩn vị mùa thu
Menu mâm cơm 6 món ăn mùa thu
Cơm khoai lang tím
Kho quẹt tôm khô
Laghim luộc
Đậu hũ chiên trộn thịt bằm
Canh thịt bò nấu cà chua
Tráng miệng: Sữa chua nếp cẩm
1. Cơm khoai lang tím
Nguyên liệu món cơm khoai lang tím: 250g gạo, 50g khoai lang tím, một ít muối hồng.
Cách nấu món cơm khoai lang tím:
Khoai lang tím gọt sạch vỏ, cắt hạt lựu rồi rửa sạch sẽ.
Cho gạo vào nồi vo sạch bụi, thêm khoai lang vào và nước lọc vào, đo mực nước từ mặt gạo lên một đốt tay là được. Như gạo lúa dẻo thì tỷ lệ 1:1 là được.Tuỳ các loại gạo khác nhau mà canh mực nước nhé! Cho vào nồi cơm điện bấm nút cook (nấu), đợi cơm chín là được.
Ăn khoai lang tầm 2 lần trong 1 tuần sẽ giúp da mềm mại và đẹp hơn vì khoai lang tím có chứa nhiều chất khoáng, chất xơ. Khoai lang tím giàu beta carotene, vitamin B1, vitamin C, Ca, Mg và các chất dinh dưỡng khác. Đặc biệt, nó có anthocyanins có tác dụng chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa nếp nhăn, giảm mỏi mắt.
2. Kho quẹt tôm khô
Nguyên liệu món kho quẹt tôm khô: 50g thịt ba rọi, 2 muỗng dầu ăn hoặc mỡ, 1,5 muỗng mắm, 2 muỗng đường, 1 ít bột, 1 muỗng dầu hào, 2 muỗng tôm khô, 3 củ hành tím, 1/2 muỗng cafe tỏi, 1/2 trái ớt sừng, 5 trái ớt khô, 1/3 muỗng cafe tiêu xay, 1 cây hành lá.
Cách chế biến món kho quẹt tôm khô:
Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng:
Tôm khô ngâm nước 10 phút cho nở mềm hơn.
Thịt ba rọi cắt nhỏ.
Tỏi, ớt sừng, hành tím bằm nhỏ.
Hành lá cắt nhỏ.
Chế biến:
Làm nóng chảo, cho dầu ăn và thịt ba rọi vào chiên vàng xém, rồi cho thêm tỏi, hành tím, ớt bằm vào phi cho dậy mùi thơm.
Tiếp theo cho các gia vị còn lại vào nấu sôi lên. Thả tôm khô vào, đảo đều nấu thêm 3 phút và nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.
Cho ra đĩa sâu lòng, rắc hành lá vào.
Trong nếp cẩm có chứa nhiều vitamin E vì vậy có khả năng làm đẹp da, cấp ẩm, trẻ hoá làn da.
3. Laghim luộc
Nguyên liệu cho món laghim luộc: 1 củ khoai tây, 1/3 cây bông cải xanh, 1 củ cà rốt, ít bắp cải trắng, 1 ít muối.
Cách nấu món laghim luộc:
Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng. Tất cả sơ chế sạch sẽ và cắt miếng vừa ăn.
Nấu sôi nước cho 1 muỗng cafe muối với 1/2 muỗng cafe đường, rồi cho rau củ vào luộc chín. Lần lượt cho cà rốt, khoai tây vào luộc 10 phút. Tiếp theo cho bắp cải, rồi đến bông cải xanh vào.
Khi tất cả đã chín vớt ra rổ inox cho ráo và xếp lên đĩa. Món ăn được chấm cùng kho quẹt tôm khô.
Bông cải xanh rất giàu dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như kali, canxi, protein và vitamin C> Nhờ đó sẽ giúp bạn có làn da chắc khỏe và tươi trẻ.
4. Đậu hũ chiên trộn thịt bằm
Nguyên liệu món đậu hũ chiên trộn thịt bằm: 3 bìa đậu hũ, 150g thịt nạc vai xay, 1/2 trái ớt sừng, 2 củ tỏi cô đơn, 2 muỗng mắm, 3 muỗng đường, 2 muỗng cốt nước tắc (quả quất), 1 củ hành tím, dầu ăn, hành ngò.
Cách chế biến món đậu hũ chiên trộn thịt bằm:
Đậu hũ mua về rửa lại, cắt miếng vừa ăn, để lên rổ cho thoáng ráo.
Làm nóng chảo cho dầu ăn vào, đợi sôi lên thì cho đậu hũ vào chiên vàng đều, vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu ăn.
Bỏ bớt dầu ăn trong chảo, để lại tầm 2 muỗng rồi cho thịt nạc vai xay vào đảo đều cho chín.
Pha hỗn hợp nước mắm, đường, nước cốt tắc, khuấy tan rồi cho tỏi và ớt bằm nhỏ, lá ngò cắt nhỏ, hành tím vào.
Sau đó cho tấc cả vào một cái âu (nồi, chảo, tô) trộn đều cho thấm gia vị. Sau đó xếp ra đĩa sâu lòng cho gọn gàng, trang trí thêm hành tím và lá ngò.
5. Canh thịt bò nấu cà chua
Nguyên liệu món canh thịt bò nấu cà chua: 500ml nước dùng, 200g thịt vai bò, 1 trái cà chua beef, 2 cây rau cần, hành lá, muối hồng, bột ngọt, tiêu.
Cách chế biến món canh thịt bò nấu cà chua:
Chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng sạch sẽ để ráo.
Nấu sôi nước dùng cho 1/2 trái cà chua đã cắt múi cau vào nấu 3 phút. Tiếp theo cho thịt bò vào nấu sôi lên lại vớt thật sạch bọt nếu có. Rồi cho gia vị nêm nếm lại cho vừa khẩu vị, thả rau cần, hành lá cắt khúc vào. Múc canh ra tô, rắc thêm một ít tiêu xay.
Nếu thích béo, bạn có thể nấu theo cách phi tỏi, sau đó cho thịt bò và gia vị vào xào sơ qua rồi nấu. Hoặc bạn phi tóp mỡ và tỏi vàng đều, khi múc canh ra tô thì cho vào.
6. Tráng miệng: Sữa chua nếp cẩm
Nguyên liệu làm món sữa chua nếp cẩm: 200g nếp cẩm, 600ml nước lọc, 380g sữa đặc, 1 lít sữa tươi không đường, 110g sữa chua cái, 15 hũ thủy tinh.
Cách làm món sữa chua:
Khui hộp sữa đặc cho vào nồi thuỷ tinh, tiếp cho thêm 400ml sữa tươi không đường vào khuấy đều. Bắt lên bếp nấu lửa vừa, khuấy đều cho đến khi hỗn hợp có hơi nóng thì nhấc ra khỏi bếp. Cho tiếp 600ml sữa tươi còn lại vào khuấy đều rồi cho hũ sữa chua cái vào (sữa chua cái để ở nhiệt độ phòng) tiếp tục khuấy nhẹ tay cho tan đều. Rồi chia đều tầm 100 ml mỗi hũ - loại hũ 200ml.
Dùng thùng giữ nhiệt để ủ. Xếp từng hũ vào thùng giữ nhiệt cho nước nóng tầm 40 độ C vào, cao gần bằng miệng hũ, rồi ủ tầm 8-9 tiếng tuỳ vào sở thích, nếu thích vị chua nhiều thì ủ 9 tiếng.
Cách làm món xôi nếp cẩm:
Nếp cẩm ngâm 8 tiếng hoặc để qua đêm rồi vo lại, thay nước. Cho vào tầm 600ml nước hoặc đo mức nước từ nếp đến đốt thứ hai của ngón tay trỏ. Cho vào nồi cơm điện bấm nút cook đợi chín. Để xôi nguội.
Khi dùng thì cho xôi nếp cẩm vào hũ sữa chua để thưởng thức.
Món tráng miệng này nên chuẩn bị trước.
Sự kết hợp hoàn hảo giữa nếp cẩm và sữa chua nguyên chất đã tạo nên món ăn thơm ngon, đặc biệt tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Nếu bạn thường xuyên thưởng thức món ăn mùa thu này chắc chắn sẽ nhận được những lợi ích đặc biệt như: Bảo vệ tim mạch, tốt cho tiêu hóa, phòng ngừa loãng xương, bổ máu, làm đẹp da...
Chúc bạn thành công nhé!