Vào những ngày cổ họng khó chịu, ho... bạn hãy dùng 1-2 thìa cafe hỗn hợp này pha vào nước ấm bạn sẽ cảm nhận ngay được công dụng diệu kì!
- Mùa hồng chín rộ, mách bạn 1 cách ăn hồng vừa ngon vừa là bữa sáng giảm cân, đẹp da
- Cuối tuần mát trời làm món bánh bông lan vị bơ dừa thơm phức, ngon lành
Từ xa xưa, quả lê và rễ hoa cát cánh là 2 loại nguyên liệu rất hợp nhau nên nhiều người đã tận dụng pha thành trà thảo dược và dùng làm trà để uống. Nhất là những khi thời tiết chuyển mùa hoặc khi bị cảm lạnh, thức uống từ 2 loại nguyên liệu này có thể nhanh chóng cho người dùng thấy được tác dụng hiệu quả. Nếu bạn hoặc trong gia đình có người thường xuyên bị ho, cảm lạnh hoặc phế quản gặp vấn đề thì đây chính là gợi ý để bạn chỉ dùng 1 công thức pha trà có thể loại bỏ được những "rắc rối" sức khỏe đó.
Cùng bắt tay vào thực hiện công thức lê cát cánh mật ong đường phèn để pha trà trị ho, tốt cho phế quản nào!
Nguyên liệu để làm hũ lê cát cánh mật ong đường phèn
2 quả lê - 400gr rễ cây hoa cát cánh tươi (rễ cây hoa chuông) - 200gr đường phèn - 200gr mật ong.
Cách làm hũ lê cát cánh mật ong đường phèn
Bước 1: Rễ cây hoa cát cánh (hay còn gọi là hoa chuông) bạn rửa thật sạch dưới vòi nước để loại bỏ đất. Sau khi rửa sạch thì đem gọt bỏ vỏ.
Mẹo: Để bóc vỏ của rễ cây cát cánh dễ dàng hơn thì bạn nên ngâm nó trong nước khoảng 1 giờ đồng hồ.
Bạn có thể tìm mua rễ cây hoa cát cánh tại các cửa hàng bán thảo dược, cửa hàng bán thực phẩm Hàn Quốc hoặc các sàn thương mại điện tử.
Bước 2: Sau khi đã sơ chế rễ cây hoa cát cánh xong, bạn cắt thành từng miếng dày 0,5cm. Lê rửa sạch rồi đem gọt vỏ, bỏ hạt và cắt thành từng miếng vừa ăn.
Mẹo: Với lê và rễ cây cát cánh bạn cũng có thể xay nhuyễn sau đó ướp với đường phèn trong khoảng 2 giờ. Với cách này thì thành phẩm trông sẽ không đẹp mắt bằng nhưng ưu điểm là các miếng rễ cát cánh bạn sẽ không cảm thấy bị cứng lại khi bảo quản thời gian dài trong tủ lạnh.
Bước 3: Cho rễ hoa cát cánh, lê, đường phèn và mật ong vào nồi đun sôi trên lửa lớn. Sau đó bạn giảm lửa về mức lửa vừa rồi đun ở lửa nhỏ trong khoảng 1 giờ 30 phút cho đến khi hơi nước bay hết. Trong quá trình đun bạn lưu ý khuấy đều để các nguyên liệu không bị bén.
Bước 4: Sau đó bạn cho vào lọ thủy tinh đã tiệt trùng và đóng nắp lại. Tốt nhất bạn nên để ở nhiệt độ phòng nửa ngày rồi cho vào tủ lạnh bảo quản.
Thành phẩm lê cát cánh mật ong đường phèn tốt cho phế quản
Lê cát cánh đường phèn mật ong hoàn thành có màu sắc vàng nâu đẹp mắt. Từng miếng lê và rễ cát cánh ngấm đường phèn mật ong ngọt thanh, thơm dễ chịu. Vào những ngày cổ họng khó chịu, ho... bạn hãy dùng 1-2 thìa cafe hỗn hợp này pha vào nước ấm và uống. Bạn sẽ cảm nhận ngay được công dụng diệu kì!
Chúc các bạn thành công với món lê cát cánh mật ong đường phèn và luôn khỏe mạnh!
Có thể bạn chưa biết:
Cây cát cánh hay còn được gọi là kết cánh, mộc tiện, bạch dược, cánh thảo hay phù hổ,... Cát cánh là loại thân thảo có tính hơi ôn, vị ngọt, cay, đắng, lợi về kinh tỳ. Cát cánh có chứa các thành phần hóa học như Methyl 2-O-Methylplatyconate-A, Platycodin C, D, A, Polygalin acid, Platycogenic acid, b-D-Glucoside, a-Spinasteryl, a-Spinasterol,...
Công dụng của cát cánh là giúp long đờm, lợi họng, tiêu mủ. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, buồn bực khó chịu trong ngực, hầu họng sưng đau, khàn tiếng, phổi sưng thổ đờm, các vết lở loét mưng mủ... Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, dược liệu hàm chứa các chất có tác dụng long đờm, chống viêm nhiễm.
Mặc dù là một loại thảo dược có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên có một số lưu ý bạn cần ghi nhớ:
- Không uống quá liều lượng cây cát cánh.
- Người bị lao phổi, ho lâu ngày, viêm phế quản ho khan ít đờm, kiêng uống riêng 1 vị cát cánh với lượng nhiều và thời gian kéo dài.
- Người viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày kiêng uống nhiều.
Ảnh: Wtable