Cách pha này giúp cà phê ít đắng và chua hơn nhưng vẫn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe như tăng tuổi thọ, tốt cho trí não, ngừa bệnh tiểu đường.
- 5 loại rau củ giúp giải nhiệt tự nhiên, thanh lọc cơ thể vào mùa hè
- Điều gì xảy ra với cơ thể khi uống cà phê mỗi ngày?
Cold brew hay còn gọi là cà phê ủ lạnh khá phổ biến trong những năm gần đây. Khác với cách pha cà phê truyền thống cần nước nóng và phin, muốn pha cold brew cần sử dụng nước lạnh để ngâm ủ cà phê từ 12-24 tiếng theo tỷ lệ cà phê với nước là 1:10, sau đó lọc bỏ bã cà phê lấy phần nước.
Cà phê cold brew ít đắng và chua hơn so với cách pha cà phê thông thường, hậu vị ngọt mà vẫn giữ được hàm lượng caffeine cao.
Trên thực tế, cà phê cold brew được cho là xuất hiện từ thế kỷ 17 do vị thuyền trưởng người Hà Lan sáng tạo sau khi có cảm hứng từ cách pha trà của Nhật Bản. Sau nhiều thế kỷ, cách thưởng thức cà phê này đã được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới. Ngoài hương vị thơm ngon, mới lạ, cold brew sở hữu những lợi ích sức khỏe ấn tượng đã được khoa học chứng minh.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong số một trên toàn thế giới, theo WHO. Uống cà phê, trong đó có cold brew có thể là một cách phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả.
Theo các nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ, các hợp chất caffeine, phenolic, magie,... có trong cà phê ủ lạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ ổn định đường huyết và hạ huyết áp. Loại nước này cũng chứa nhiều chất chống oxy hoá và chất chống viêm giúp ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính.
Còn theo nghiên cứu từ Tây Ban Nha, uống 3 - 5 tách cà phê mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim tới 15% so với những người không uống.
Có thể tăng tuổi thọ
Lượng chất chống oxy hóa trong cold brew giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào - nguyên nhân dẫn đến các bệnh mãn tính làm giảm tuổi thọ như bệnh tim, tiểu đường loại 2 và ung thư. Một nghiên cứu dài hạn ở hơn 220.000 nam giới và 170.000 nữ giới độ tuổi 50-71 cho thấy người càng uống nhiều cà phê thì nguy cơ bị bệnh tim, hô hấp, đột quỵ, tiểu đường càng thấp hơn.
Kiểm soát đường huyết
Cà phê ủ lạnh với lượng chất chống oxy hóa axit chlorogenic có thể làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu sau bữa ăn, giữ cho lượng đường trong máu ở mức ổn định.
Theo một nghiên cứu từ Ấn Độ, cà phê cold brew có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 khi uống 4–6 tách cà phê mỗi ngày. Một nghiên cứu khác của Singapore trên 36.900 người ở độ tuổi 45–74 cho thấy những người uống ít nhất 4 tách cà phê ủ lạnh mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn 30% so với những người không uống.
Tốt cho trí não
Caffeine trong cà phê cold brew giúp cải thiện tâm trạng cũng như tăng cường khả năng tập trung, tốt cho chức năng não người cao tuổi.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống cà phê có thể bảo vệ não khỏi các bệnh liên quan đến tuổi tác như Alzheimer và Parkinson. Cả hai căn bệnh đều là tình trạng thoái hóa thần kinh, có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ, sức khỏe tâm thần suy giảm khiến các hoạt động hàng ngày trở nên khó khăn.
Tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ giảm béo
Trao đổi chất là quá trình cơ thể bạn sử dụng thức ăn để tạo ra năng lượng. Tỷ lệ trao đổi chất của bạn càng cao, bạn càng đốt cháy nhiều calo khi nghỉ ngơi. Và cũng giống như cà phê nóng, cà phê ủ lạnh có chứa caffeine, đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ trao đổi chất của bạn lên tới 11%, đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo của cơ thể từ đó hỗ trợ quá trình giảm cân.
Lưu ý khi sử dụng cà phê cold brew
Cà phê cold brew mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có một số người không nên sử dụng như người bị mắc chứng mất ngủ, người bị rối loạn lo âu, phụ nữ đang cho con bú, người bị bệnh ruột kích thích… Không nên uống cà phê quá gần giờ ngủ hoặc uống quá nhiều để tránh tác dụng phụ như tim đập nhanh, tăng huyết áp, khó ngủ,...
Theo Healthline