Khử mùi tanh của cá biển bằng các nguyên liệu này giúp cá vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe.
- Hướng dẫn cách chọn rau muống sạch, tránh nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu: Nhờ mẹo này mà biết có thuốc tăng trưởng
- Hướng dẫn công thức làm giấm táo đơn giản tại nhà: Cách làm nhanh gọn lẹ, thành công một 100% mà ít chi phí
Lợi ích của cá biển
Theo Báo Sức khỏe Đời sống, trong các loại cá thì cá biển có nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng như: vitamin A, D, canxi, photpho, clo, natri, fluo, đồng, kẽm, i-ốt... Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích, cá cơm… chứa nhiều omega 3.
Cá hồi rất giàu protein và ít calo, do đó ăn cá hồi thường xuyên có thể giúp giảm cân lành mạnh.
Cá cơm là loài cá nhỏ, thân mảnh, sống gần các vùng ven biển. Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng cá cơm rất giàu dinh dưỡng. Chúng chứa nhiều protein, khoáng chất và vitamin như A và D và là nguồn axit béo omega-3 chuỗi dài rất có lợi cho cơ thể.
Cá da trơn có thể sống ở cả nước ngọt và nước mặn. Đây là nguồn cung cấp axit béo omega 3 tốt cho não, tim, hệ miễn dịch và mắt. Cá da trơn cung cấp nhiều vitamin B12, giúp cơ thể tạo ra DNA và giữ cho các tế bào máu hoạt động bình thường.
Thịt cá trích rất mềm và rất giàu protein cũng như canxi tốt cho cơ bắp và hệ xương chắc khỏe. Ngoài axit béo omega-3, lượng vitamin A và vitamin D trong cá trích rất quan trọng cho sức khỏe sức khỏe tổng thể.
Mẹo chọn cá biển ngon
Theo VTC, cách chọn cá biển tươi không chất độc hại là điều mà mọi người cần biết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình. Con cá biển tươi trước hết phải là con cá có thân hình sáng bóng, thịt có độ đàn hồi nhất định. Miệng cá tươi thường ngậm kín. Trong khi đó, cá ươn không có độ đàn hồi, miệng mở hé.
Mắt cá tươi long lanh, hơi lồi, căng. Phần mang cá biển tươi phải có màu hồng hoặc đỏ tươi. Ngược lại, cá không tươi có phần mắt vẩn đục, lún sâu, sờ vào thấy nhớt hoặc khô quắt.
Cá biển tươi có hậu môn màu trắng, thụt sâu vào bên trong và bụng lép; còn cá ươn có hậu môn màu hồng hoặc đỏ bầm, lòi ra ngoài; bụng phình to.
Vảy cá biển tươi sáng bóng, khi nhìn dưới nắng sẽ thấy óng ánh, bám chặt vào thân cá, không có niêm dịch và không có mùi hôi. Trái lại, vảy cá biển ươn bị mờ, không bám chặt vào thân cá, mùi rất tanh.
Tanh là mùi đặc trưng của cá nhưng nếu cá tươi thì bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của nước biển, còn cá ươn mùi rất khó chịu.
Mẹo khử mùi tanh của cá biển
Bài viết trên Thời báo Văn học nghệ thuật, cá mua về có thể rắc một ít muối hạt lên trên, phủ đều ở cả mặt trong và mặt ngoài của con cá. Sau đó, để khoảng 15 phút. Muối vừa có tác dụng khử mùi tanh của cá, loại bỏ nhớt, giúp thịt cá săn chắc hơn. Sau đó, bạn chỉ cần đem cá rửa lại thật kỹ bằng nước sạch. Lưu ý, quá trình ướp muối này sẽ khiến thịt cá đậm vị nên trong lúc nấu ăn, bạn nên giảm lượng mắm, muối để tránh cá bị mặn.
Chanh hoặc giấm có chứa axit, có tác dụng khử mùi tanh của các loại cá rất tốt. Bạn có thể cắt chanh thành các miếng nhỏ và chà xát lên mặt trong và mặt ngoài của con cá. Để nguyên như vậy một lúc rồi đem cá đi rửa sạch.
Nếu không có chanh, bạn có thể sử dụng giấm để thay thế. Chỉ cần cho giấm vào bát hoặc chậu, cho cá vào và tuốt sạch phần nhớt và máu thừa của cá. Sau đó, đem cá đi rửa sạch.
Nước vo gạo có tác dụng khử mùi tanh của các loại cá rất tốt. Khi vo gạo, bạn hãy giữ lại phần nước vo. Cho phần nước vo gạo này vào chậu và bỏ cá vào ngâm, rửa trong nước này. Rửa cho cá hết nhớt rồi vớt ra rửa lại bằng nước sạch.
Rượu vừa có tác dụng làm sạch nhớt, vừa có khả năng khử mùi tanh của cá rất tốt. Bạn có thể làm sạch cá bằng nước như bình thường. Sau đó, cho cá vào bát tô và thêm một chút rượu trắng. Trộn đều rượu và cá. Để nguyên như vậy khoảng 5-7 phút là có thể mang cá đi chế biến như bình thường.
Bạn có thể đập dập một nhánh gừng, pha vào nước rồi bỏ cá vào ngâm trong nước này. Sau đó, rửa lại cá cho sạch nhớt và máu thừa. Nước gừng có tác dụng làm sạch và khử mùi tanh của cá rất tốt.