Mặc dù chỉ là một thủ thuật đơn giản của sản khoa nhưng những hậu quả của việc nạo phá thai vô cùng nghiêm trọng.
- Ra máu, đau bụng sau khi "yêu": Dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm
- 3 nguy cơ không thể bỏ qua đối với sức khỏe bà bầu khi thời tiết chuyển lạnh
Nạo phá thai là sự kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ phôi hay thai nhi khỏi tử cung trước khi đến hạn sinh nở. Mặc dù ngày nay y học đã tiến bộ với nhiều phương pháp an toàn như dùng thuốc phá thai, phẫu thuật,… nhưng biến chứng trong y khoa là điều không thể tránh khỏi.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, các căn bệnh nguy hiểm như dính buồng tử cung, vô sinh, trầm cảm, thậm chí mất thiên chức làm mẹ… đều có thể là những hậu quả kinh hoàng của việc nạo phá thai.
Mất thiên chức làm mẹ vì nạo phá thai (Ảnh minh họa)
Dính buồng tử cung dẫn đến sảy thai, hiếm muộn
ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, buồng tử cung chính là nơi thai nơi thai nhi làm tổ 9 tháng 10 ngày.
Tử cung có chức năng quan trọng nhất đó là phải giãn nở được. Bình thường tử cung to bằng quả quýt nhưng khi phụ nữ mang thai 9 tháng 10 ngày phải to bằng quả dưa hấu. Nếu tử cung bị dính lại với nhau sẽ khiến không thể giãn nở gây ra 2 vấn đề đó là không mang thai được hoặc nếu có thai rất nhiều trường hợp sảy thai hoặc đẻ non.
“Hậu quả lớn nhất của nạo phá thai rất thầm lặng là tổn thương trực tiếp buồng tử cung. Trong buồng tử cung có 1 lớp đất là niêm mạc tử cung và thai nhi cũng như hạt giống gieo vào đó.
Niêm mạc tử cung có thể ví như một "lớp đất" màu mỡ để nuôi dưỡng và cho thai nhi làm tổ. Thế nhưng mỗi lần nạo phá thai, chúng ta lại nạo đi lớp đất màu mỡ này và trơ lại toàn "sỏi đá" khiến thai rất khó làm tổ và dễ sảy thai”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Chưa kể trường hợp hút thai mạnh, thô bạo gây ra tổn thương niêm mạc tử cung. Hành động này làm cho tổn thương tạo sẹo gây dính mặt tử cung lại với nhau dẫn đến tử cung không đủ diện tích, thể tích để mang thai.
Đặc biệt, phá thai càng to càng nguy hiểm, phá thai càng nhiều lần càng tổn thương phức tạp mà biểu hiện của nó rất thầm kín.
Mọi người chỉ nghĩ tai biến của nạo phá thai ngay thời điểm đó nên rất nhiều chị em 5,10 năm sau không biết gì cả. Cuối cùng xử trí tổn thương buồng tử cung rất khó khăn và vô cùng phức tạp, rất nhiều bệnh nhân phải phẫu thuật, đưa camera vào để cắt hết dải dính đó. Tuy nhiên dải dính cắt xong việc tái dính lại lên đến 30 - 40%, chưa kể có trường hợp càng phẫu thuật càng dính nhiều hơn.
“Phẫu thuật gần như chỉ cải thiện về mặt diện tích và thể tích chứ không thể tạo hình, bồi bổ được "chất đất" độ dày của niêm mạc của bệnh nhân. Có những bệnh nhân phải chấp nhận việc phải đi xin con hoặc nhờ mang thai hộ mới có thể làm mẹ được”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Nạo phá thai để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Lời khuyên của chuyên gia về nạo phá thai
Bác sĩ Thành cho biết, hiện nay tình trạng vô sinh vì tổn thương buồng tử cung do nạo phá thai rất hay gặp và cũng là bệnh khó điều trị nhất hiện nay.
“Ví dụ như công nghệ IVF là cao cấp nhất hiện nay, nhưng khi chuyển phôi vào tử cung của người mẹ, mà người mẹ này tử cung lại có lớp đất cằn cỗi thì tình trạng chuyển phôi không đậu thai, chuyển phôi nhiều lần rất hay xảy ra”, bác sĩ Thành dẫn chứng.
Do đó, bác sĩ Thành cảnh báo mọi người phải phòng hơn chống, không được xem phá thai là biện pháp tránh thai.
Cùng với đó, các bạn trẻ nếu hiếm muộn, sảy thai thì cần đánh giá buồng tử cung sớm để phát hiện kịp thời và điều trị.
“Nhiều bạn trẻ có bầu sau thời gian dài hiếm muộn hoặc sảy thai nhiều lần đến bác sĩ nhờ giữ thai. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là nếu tổn thương ở buồng tử cung thì khi các bạn đã mang bầu rồi sẽ không thể can thiệp được nữa vì không thể chụp phim, nếu không sẽ làm hỏng thai,
Vì vậy, các bạn hiếm muộn, sảy thai nhiều lần cần đi khám trước khi mang thai, lắng nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa. Từ đó đảm bảo buồng tử cung khỏe mạnh”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.