Thời tiết lạnh khô của mùa đông ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà bầu. Đặc biệt, có 3 nguy cơ đối với sức khỏe bà bầu trong mùa đông lạnh được các bác sĩ sản khoa cảnh báo.
- Uống nước mía có giúp giảm tình trạng nôn nghén ở bà bầu không?
- Chuyên gia y tế: Cần làm gì khi phát hiện u xơ tử cung trong quá trình mang thai?
1. Bà bầu có nguy cơ tăng huyết áp khi trời lạnh
Sức khỏe bà bầu bị ảnh hưởng lớn khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là vấn đề huyết áp. Bởi thời tiết lạnh khiến các mạch máu của bà bầu co lại, điều này làm tăng nguy cơ huyết áp trong thai kỳ.
Phụ nữ mang thai được chẩn đoán có tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg. Tăng huyết áp gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến cả mẹ bầu và thai nhi.
Đối với thai nhi, tăng huyết áp trong thai kỳ có thể dẫn đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối, nhau bong non, sinh non, suy thai... Tăng huyết áp ở mẹ bầu là một trong những yếu tố làm suy giảm lưu lượng máu đến nhau thai, dẫn đến thai nhi không thể nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để phát triển.
Còn đối với thai phụ, tăng huyết áp thai kỳ có thể diễn tiến đến tiền sản giật, sản giật, phù phổi, gây suy đa cơ quan và ảnh hưởng đến tính mạng của thai phụ. Tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, bệnh thận và đột quỵ ở thai phụ.
Bà bầu rất dễ mắc bệnh cúm trong mùa đông lạnh. Ảnh minh họa
2. Bà bầu có nguy cơ mắc bệnh cúm
Mẹ bầu có thể mắc cúm quanh năm, nhưng đặc biệt là vào mùa đông. Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao tiến triển các biến chứng nếu bị cúm. Một trong những biến chứng phổ biến nhất của cúm là viêm phế quản, hay nghiêm trọng hơn là triển thành viêm phổi, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bà bầu.
Các biến chứng khác không phổ biến, như: Viêm tai giữa, nhiễm trùng máu gây ra sự giảm huyết áp nghiêm trọng (sốc nhiễm khuẩn), viêm màng não, viêm não, viêm nội tâm mạc…
Nếu mẹ bầu bị cúm trong khi đang mang thai thì có nguy cơ mẹ sinh sớm hoặc bé khi sinh ra có trọng lượng thấp và thậm chí có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc tử vong trong tuần đầu tiên của cuộc đời.
Do đó, bà bầu nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng của bệnh cúm không cải thiện hoặc nếu triệu chứng trở nên trầm trọng như: Khó thở, đau họng nhiều, ho khạc đàm xanh, sốt cao dai dẳng và tức ngực.
3. Bà bầu bị viêm da
Những thay đổi về nội tiết trong suốt thai kỳ gây ảnh hưởng lớn đến làn da của bà bầu. Đặc biệt, vào mùa đông lạnh, da dễ bị mất độ ẩm, trở nên khô ráp và nứt nẻ, nguy cơ viêm da tăng lên gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe bà bầu.
Hiện tượng viêm da thường xảy ra nếu bà bầu có tiền sử dị ứng với điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, với lông động vật hoặc với một số loài hoa,…
Tình trạng viêm da của mẹ bầu có nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp tới sự phát triển của em bé trong bụng mẹ. Bởi vì các triệu chứng bệnh làm suy giảm chất lượng đời sống của mẹ bầu, khiến người mẹ ăn uống kém ngon miệng, tâm lý hay căng thẳng, ngủ không ngon giấc. Nếu vấn đề này diễn ra liên tục, thai nhi có thể không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, kém phát triển hơn so với bình thường.
Ngoài ra, bệnh viêm da của mẹ bầu có thể di truyền sang con, khiến em bé khi ra đời cũng có nguy cơ bị viêm da cơ địa, cơ thể khá nhạy cảm với những tác nhân từ bên ngoài.