Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc người mẹ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khi mang thai không ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của thai nhi.
- Nghiên cứu mới: Trẻ học nói từ trước khi ra đời, mẹ chăm làm điều này con càng thông minh
- Nghiên cứu mới: Sự phân biệt đối xử trong thời kỳ mang thai tác động đến sự phát triển trí não của trẻ
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California tại San Francisco công bố vào ngày 23/1 (giờ địa phương) rằng họ đã đưa ra kết luận này sau khi tiến hành một nghiên cứu tiếp theo trên 4.000 bà mẹ và con cái của họ đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khi đang mang thai.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu đoàn hệ quy mô lớn với 2.261 trẻ sơ sinh 12 tháng tuổi và 1.940 trẻ sơ sinh 18 tháng tuổi. Nhóm nghiên cứu đã phân tích tác động của vắc xin COVID-19 bằng cách so sánh xem người mẹ có được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khi mang thai hay không và khả năng phơi nhiễm của thai nhi trong bụng mẹ.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng chỉ số đánh giá ASQ-3 để đánh giá sự phát triển thần kinh, đánh giá 5 mục bao gồm giao tiếp, kỹ năng vận động thô, kỹ năng vận động tinh, giải quyết vấn đề và kỹ năng xã hội.
Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ chậm phát triển ở trẻ có mẹ tiêm chủng trong thời kỳ mang thai là 20,1% và ở trẻ có mẹ không tiêm chủng là 23,2%, không có sự khác biệt đáng kể. Trong đó, vấn đề sinh non và giới tính của trẻ sơ sinh dường như không ảnh hưởng đến kết quả. Tuổi, chủng tộc, dân tộc, trình độ học vấn, thu nhập và sức khỏe tâm thần của người mẹ, chẳng hạn như chứng trầm cảm của người mẹ, cũng được cho là không ảnh hưởng đến nguy cơ của thai nhi theo xét nghiệm ASQ-3.
Tiến sĩ Eleni Jeswa, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: Kết quả của nghiên cứu đoàn hệ này chứng minh rằng việc mẹ bầu tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong thời kỳ mang thai không ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh cho đến khi được 18 tháng tuổi. Các nghiên cứu dài hạn bổ sung nên được tiến hành để cung cấp bằng chứng mạnh mẽ hơn nhằm khuyến khích tiêm chủng ở phụ nữ mang thai".