Quyết định có thêm thành viên mới, các mẹ nên quan tâm đến vấn đề sức khỏe và tinh thần hơn để đảm bảo an toàn cho mình và thai nhi.
- 7 sai lầm khi trữ sữa rất nhiều mẹ mắc phải gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con
- 3 điều phải đối mặt sau sinh và cách chăm sóc chuẩn khoa học
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, việc chuẩn bị trước khi mang thai là vô cùng cần thiết. Đặc biệt với các gia đình muốn có thêm bé thứ 2, dù đã có kinh nghiệm và kiến thức nhưng vẫn có những điều cần ghi nhớ sau. Nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng 6 điều này, mẹ nên cân nhắc đến việc tạm hoãn chuyện sinh bé thứ 2.
1. Con lớn đã sẵn sàng trở thành anh, chị?
Với nhiều bé, việc có em như một "cú sốc" lớn. Từ một người là duy nhất, được quan tâm, chiều chuộng và thương yêu, con bỗng nhiên phải chia sẻ điều đó với một ai khác là cảm giác không mấy dễ chịu. Nếu có thể, hãy hỏi con về việc bé nghĩ sao nếu gia đình mình có thêm một thành viên.
Bên cạnh đó, hãy cùng chia sẻ, tâm sự với con về sự xuất hiện của một nhân vật đáng yêu mới thông qua các câu chuyện, trò chơi hàng ngày. Nuôi dưỡng trong con tình yêu với em bé. Đặc biệt, đừng tỏ ra thiên vị, hãy để ý đến cảm xúc của con. Khi con nhất định nói "không muốn có em", thay vì giận dữ hãy làm bạn và chia sẻ với bé.
Ngoài ra, trước khi sinh bé thứ hai, hãy chắc chắn rằng bạn đã rèn được cho con tự làm được những công việc cơ bản sau: Dùng bữa một mình, tự mặc quần áo, tự dọn đồ chơi sau khi chơi xong, tự vệ sinh cá nhân được một mình...
2. Tài chính đã thực sự vững chắc?
Từ việc mua tã cho bé, mua sữa cho bé, mua quần áo, đồ dùng cho đến chi phí nhập học của bé,... tất cả đều vô cùng tốn kém mà có đôi lúc bạn sẽ phải thốt lên rằng "Sao một đứa bé lại có thể tiêu tốn hơn cả một người lớn vậy?".
Và khi có thêm bé thứ 2, mọi thứ sẽ tốn gấp 5, gấp 10... với những khoản "từ trên trời rơi xuống". Nếu không có sự chuẩn bị vững chắc về mặt tài chính, rất có thể chuyện nuôi con sẽ trở thành gánh nặng, áp lực quá lớn lên vai bố mẹ. Hãy chắc chắn rằng những đứa trẻ được nuôi dạy tốt, được thương yêu khi bạn đã có tài chính đủ vững vàng.
3. Sức khỏe của mẹ có ổn không?
Đây là điều quan trọng nhất, bởi sức khỏe của mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi trong bụng. Cân nhắc nếu bạn mới sinh mổ dưới 1 năm, hoặc chưa sẵn sàng cho một cơn đau đẻ trở lại. Tốt nhất là mẹ nên đi khám tổng quát để biết cơ thể có khỏe mạnh hay không.
Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tập luyện thể dục thể thao, ăn uống đủ chất. Hãy đi bộ, đạp xe hoặc tập yoga, nói chung là bất cứ điều gì mà bạn cảm thấy phù hợp và cho bạn một sức khỏe tốt. Điều này sẽ giúp bạn đối phó tốt hơn với sự mệt mỏi khi vừa phải chăm sóc bé thứ nhất và lại đang mang thai giai đoạn về sau.
4. Bạn đã sẵn sàng để trở thành mẹ của 2 em bé
Em bé mới sinh đòi hỏi tất cả thời gian và sự chú ý của mẹ nhưng hãy nhớ rằng đứa con lớn cũng cần sự quan tâm. Vì vậy mẹ phải cân nhắc xem sự xuất hiện của đứa con thứ hai sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thời gian mà mẹ dành cho các con.
Sự thiên vị của bố mẹ không những làm người con đầu buồn lòng mà còn ảnh hưởng đến tình cảm của hai anh em. Yêu thương, tôn trọng, chắc chắn luôn công bằng là điều bố mẹ nên ghi nhớ.
5. Công việc của mẹ có thuận lợi?
Khi đang chuẩn bị mang thai, mẹ hãy chắc chắn bản thân đã có một công việc đủ ổn định, có thể sắp xếp ổn thỏa nếu sinh thêm em bé. Với phụ nữ, đây chắc hẳn là một sự đánh đổi không hề nhỏ, việc cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình không hề dễ dàng.
Nếu đi làm sau khi sinh con, mẹ hãy xem xét tính chất công việc có thật sự phù hợp để vừa chăm con vừa đi làm hay không. Liệu có ổn nếu mỗi ngày tan làm lúc 5 giờ để đón con từ nhà trẻ hay công việc của mẹ phải làm muộn giờ hơn?
6. Hãy lắng nghe trái tim mình
Sau khi xem xét các khía cạnh trên, bố mẹ nên ngồi xuống, bình tâm suy nghĩ liệu mình có thực sự muốn có thêm một đứa con. Hãy lắng nghe trái tim mình, bởi quyết định này được dẫn dắt bởi chính trái tim. Nếu cả mẹ và bố đều muốn có thêm con, có lẽ không có thời điểm nào phù hợp hơn ngay lúc này.