Thai nhi 18 tuần tuổi đã tử vong vì nhiễm một loại vi khuẩn thông thường từ người mẹ.
Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS), dù thường gặp ở người lớn, nhưng nếu trẻ sơ sinh bị loại vi khuẩn này tấn công, trường hợp xấu nhất hoàn toàn có thể xảy ra.
Allison Balding (Australia) đang mong chờ bé thứ hai sau khi đã thụ thai tự nhiên thành công. Chia sẻ trên mạng, cô và ông xã gọi thai nhi trong bụng là "em bé tự nhiên" bởi con đầu lòng của hai người chào đời nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Không có bất cứ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Allison thậm chí còn tâm sự rằng, cô là một bà bầu vô cùng hạnh phúc vì không hề cảm thấy điều gì bất ổn trong quá trình mang thai. Chỉ duy nhất một điều là cô hơi mệt mỏi do phải đồng thời chăm sóc cho bé lớn đang tuổi chập chững.
Ở tuần thai thứ 18, sau khi hai vợ chồng Balding tổ chức kỷ niệm ngày cưới, Allison bất chợt cảm thấy cơn đau quặn thắt và cô còn bị ra chút máu. Cho tới lúc này, cô vẫn không hề lo lắng vì trong lần mang thai đầu tiên, cô đã quen với việc thi thoảng ra máu. Tuy nhiên, cô vẫn tới gặp bác sĩ để kiểm tra.
Buổi sáng hôm sau, người mẹ trẻ nhận được đơn thuốc kháng sinh. Lúc đó, bé yêu chưa chào đời, vốn đã được vợ chồng Balding đặt tên là Ebony, vẫn đạp trong bụng mẹ. Siêu âm cũng cho thấy bé không gặp bất cứ vấn đề nào. Nhân viên siêu âm khẳng định, Ebony phát triển hoàn hảo.
Tuy nhiên, tình trạng ra máu ngày càng nghiêm trọng hơn. Vào ngày 10/12/2013, Allison Balding sinh Ebony trong tình trạng khẩn cấp khi bé chưa đầy 18 tuần tuổi. Ebony qua đời ngay sau đó vì phổi cô bé vẫn chưa phát triển đầy đủ để có thể đảm nhiệm chức năng hô hấp.
Thai nhi có thể nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm B từ mẹ khi sinh thường.
6 tuần sau đó, người ta phát hiện ra rằng, Ebony vĩnh viễn mất đi do bị nhiễm một loại vi khuẩn thường gặp, vốn có thể được phòng ngừa bằng cách dùng kháng sinh. Loại vi khuẩn đó là liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) - được tìm thấy trong cơ quan sinh sản nam và nữ. Với người trưởng thành, nó không gây hại. Tuy nhiên, GBS có thể dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng, chết yểu và sinh non cho thai nhi.
Theo chia sẻ của Balding, GBS thường không có triệu chứng nhưng trong một số trường hợp, nó gây tiết dịch âm đạo bất thường hay cảm giác ngứa rát thường bị nhầm lẫn với bệnh nhiễm trùng do nấm. Các chuyên gia cho biết, nếu nghi ngờ GBS, người bệnh nên dùng một liệu trình kháng sinh và nó thậm chí có thể được ngăn ngừa trong quá trình sinh nở, bằng cách uống 1 liều kháng sinh 4 tiếng trước khi sinh.
Theo American Pregnancy Association, 25% các bà mẹ có vi khuẩn GBS trong âm đạo hoặc trực tràng. Ở Australia, nơi xét nghiệm nhằm phát hiện GBS không phải là một phần trong quá trình kiểm tra y tế cho các bà bầu, tỷ lệ mắc GBS là 1/1.000 ca mang thai. Trong khi đó, ở Mỹ, tỷ lệ này là 1/2.000.