Theo chuyên gia, đau lưng là vấn đề phổ biến ở phụ nữ có thai, tuy nhiên mẹ bầu cũng cần lưu tâm vì có nhiều nguyên nhân khác không liên quan đến thai kỳ.
Chị Ngô Thị H (Thanh Xuân, Hà Nội) mang bầu ở tuần thứ 16, nhưng chị thường xuyên đau lưng liên tục từ tuần thứ 10, cơn đau ngày một khó chịu kèm theo sự phát triển của em bé khiến chị không ngủ nổi. Chị H rất lo lắng việc đau lưng sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
Theo Ths.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đau lưng là một trong những vấn đề phổ biến ở phụ nữ có thai, tuy nhiên cần phải loại trừ các nguyên nhân khác không liên quan tới thai kỳ như các bệnh về thần kinh, cơ xương khớp hoặc các bệnh về thận, tiết niệu.
Đau lưng trong thai kỳ thường sẽ diễn biến mạnh vào những tháng sau của thai kỳ và sẽ biến mất sau khi sinh nở. Một số trường hợp hiếm hơn, đau lưng có thể kéo dài hàng tháng sau khi chị em đã sinh con.
"Mang thai là một trải nghiệm rất vất vì quá trình này mang tới rất nhiều sự thay đổi đối với cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp này", BS Thành nói.
Một số nguyên nhân là:
- Bụng phát triển lớn làm yếu các cơ bụng, khiến tư thế của chị em thay đổi, gây áp lực lớn lên cột sống.
- Trọng lượng của mẹ và bé lớn cũng khiến cột sống phải chịu một gánh nặng lớn hơn bình thường.
- Một vài hormone được tiết ra trong thời kỳ mang thai gây giãn các dây chằng khớp cùng chậu và có thể gây đau.
BS Thành khuyến cáo các mẹ không nên quá chủ quan với tình trạng đau lưng. Trong nhiều trường hợp, đau lưng lại là một triệu chứng cảnh báo sức khoẻ bất thường khác ví dụ như chuyển dạ sinh non hoặc nhiễm trùng được tiết niệu trên. Nếu mẹ bầu cảm thấy đau lưng đi kèm với sốt, buốt rát khi tiểu hoặc chảy máu âm đạo thì hãy đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
BS Thành nhận xét: "Sẽ khá khó khăn cho các mẹ khi bị đau lưng trong khi mang thai vì gần như các mẹ sẽ không được dùng nhiều các loại thuốc hỗ trợ như bình thường. Tuy nhiên, dưới đây là một số cách khá hay giúp các mẹ cảm thấy lưng dễ chịu hơn trong thai kỳ".
- Mặc quần áo và giày hỗ trợ: Các chị em nên đi giày thấp vì giày cao gót khiến người bị đổ về phía trước và làm căng cơ lưng. Ngoài ra, các chị em còn có thể sử dụng các loại quần áo hỗ trợ giúp nâng đỡ trọng lượng của bụng và giảm áp lực lên lưng. Hãy tìm kiếm các loại quần áo này ở những cửa hàng dành riêng cho mẹ bầu nhé!
- Chú ý tư thế khi ngồi: Chị em nên ngồi các loại ghế có tựa lưng tốt hoặc lót một chiếc đệm sau lưng. Một vài thiết bị tiên tiến hiện có sẵn trên thị trường giúp hỗ trợ phần lưng dưới và khiến chị em đỡ đau và mỏi khi ngồi.
- Chú ý tư thế nâng đồ vật: Bầu càng lớn, chị em càng khó để nhặt/nâng vật ở dưới đất. Nếu cần nâng hoặc lấy đồ, hãy ngồi xổm xuống, gấp đầu gối và giữ cho lưng thẳng, không cong lưng xuống để lấy đồ. Tốt hơn hết, hãy nhờ sự hỗ trợ của người thân để tránh các tư thế có hại cho lưng.
- Chú ý tư thế khi ngủ: Các chị em thường gặp nhiều khó khăn khi đi ngủ với chiếc bụng bầu lớn vượt mặt. Tư thế nằm nghiêng và gập 2 đầu gối về phía thân mình là tư thế được khuyến cáo an toàn cho mẹ bầu.
- Tập các bài thể dục giúp giảm đau lưng: Đây là một biện pháp rất hữu ích nhưng cần sự tham vấn từ bác sĩ và huấn luyện viên để đảm bảo không bị sai tư thế. Các chị em nên tập tiếp nếu đỡ hơn và ngừng ngay khi cảm thấy đau đớn.
Với một số thông tin như trên, BS Thành mong các chị em phụ nữ phần nào bớt được lo lắng cũng như biết thêm được cách giảm thiểu đau lưng khi mang bầu. Mẹ bầu luôn cần tự theo dõi sát các tình trạng sức khoẻ của mình để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và bé.