Một phóng viên trang Buzzfeed mới đây đã chia sẻ về 10 trải nghiệm hết sức đặc biệt trong 3 tháng mang thai đầu tiên của mình.
- Mang thai 8 tuần, mẹ nghén nặng, sụt cân thì em bé có bị ảnh hưởng không?
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ có nên tập yoga không?
Mới đây, một phóng viên trang Buzzfeed, Conz Breti đã chia sẻ về những trải nghiệm đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên của mình. Dù những trải nghiệm của mỗi một người khác nhau, những chia sẻ của nữ phòng viên này chắc chắn sẽ giúp những người sắp làm mẹ chuẩn bị tốt hơn cho ba tháng đầu tiên trong thai kì của mình.
1. Bạn sẽ mệt mỏi đến mức, chỉ riêng việc giữ cho hai mắt không nhắm lại cũng cần cả một nỗ lực phi phàm!
Triệu chứng đầu tiên thường gặp phải trong những ngày mang thai đầu tiên đó là cảm giác mệt mỏi, đuối sức dù cho bạn ngủ bao lâu đi chăng nữa.
Thậm chí, trong tam cá nguyệt đầu tiên, nữ phóng viên này còn từng một lần ngủ quên trên băng ghế công cộng suốt 2 giờ liền.
2. Trở nên ù lì, lười nhác vận động
Vào những ngày cuối tuần khi chồng đi vắng, Conz gần như chỉ dành cả ngày trời để di chuyển giữa giường và ghế sofa, và dịch vụ giao đồ ăn tận nhà trở thành người bạn tri kỉ mới của cô trong những ngày này.
3. Ngại giao tiếp xã hội nhưng lại thích tìm kiếm các cộng đồng online để tâm sự
Trong những tháng đầu, bạn sẽ có cảm giác e ngại việc gặp gỡ, nói chuyện với mọi người. Cũng có tâm trạng tương tự, thế nhưng Conz đã nhanh chóng tìm được những hội nhóm kín trên mạng của các mẹ bầu. Mặc dù không hề quen biết nhau trước đó, Conz và mọi người nhanh chóng trở nên thân thiết, và những cộng đồng này là nơi mà Conz trút bầu tâm sự hay hỏi bất cứ điều gì khiến cô thắc mắc.
4. Tâm trạng thay đổi trong tích tắc
Cô có thể bỗng dưng bật khóc ở ga tàu điện ngầm, hay đột nhiên khóc khi đang tươi cười với chồng của mình mà không hiểu tại sao. Thậm chí, cô từng hét lên đối với bố mẹ mình vì một "tội ác tày trời" là hỏi rằng cô định đặt tên gì cho em bé trong bụng.
5. Những lời khuyên y tế có thể hoàn toàn khác biệt tại các vùng khác nhau trên thế giới
Khi đã có thể thông báo với một vài người bạn về việc mang thai của mình, Conz bắt đầu phàn nàn về những món ăn mình phải kiêng khi mang thai. Sau đó, cô nhận ra rằng, mặc dù việc kiêng uống đồ chứa cồn, kiêng hút thuốc là những lời khuyên phổ biến, tại các vùng khác nhau trên thế giới, bác sĩ thường đưa ra những lời khuyên y tế khác nhau. Chẳng hạn như ở Mỹ, bác sĩ sẽ khuyên mẹ bầu không nên ăn thịt lợn muối hay sushi, thế nhưng ở Nhật lại không hề có chuyện như vậy.
6. Ban đầu, thật khó để "tận hưởng" cảm giác mang thai
Mang thai là một tin tốt lành đối với vợ chồng nữ phóng viên này, thế nhưng, cùng với niềm vui có con, Conz cũng nhanh chóng cảm thấy ám ảnh và lo lắng rằng có chuyện không may nào có thể xảy đến trong những tháng đầu tiên, khiến cô không thể cảm thấy thoải mái.
7. Mối quan hệ giữa bạn và mẹ sẽ thay đổi
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng mệt mỏi với câu nói của mẹ "Khi con làm mẹ, con sẽ hiểu." Thế nhưng, thực sự là, cho đến khi làm mẹ, bạn sẽ hiểu rằng mẹ mình đã nói đúng. Điều này sẽ khiến bạn thấu hiểu, cảm thông và trân trọng mẹ mình nhiều hơn, và khiến cho mối quan hệ giữa bạn và mẹ tốt đẹp hơn rất nhiều.
8. Vitamin bầu có thể xáo trộn cả dạ dày của bạn
Một lần, Conz đã uống vitamin bầu khi bụng rỗng, và sau đó, cô cảm giác như cả dạ dày của mình bị xáo trộn và dày vò đến mức cô đã có được bài học đắt giá là ăn no trước khi uống loại thuốc bổ này.
9. Đọc bất cứ thông tin về mang thai và làm mẹ nào trong tầm tay của mình
Khi có bầu, bạn sẽ thấy mình bỗng dưng ham đọc sách và tìm hiểu thông tin một cách lạ thường. Bạn sẽ bắt đầu cảm giác muốn đọc tất cả những thông tin về bầu bí, làm mẹ nào trong tầm tay của mình để chuẩn bị tốt nhất cho em bé trong bụng.
10. Không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn
Vì mang thai lần đầu, Conz liên tục có hàng loạt các câu hỏi như mình nên ăn gì, mình nên đến thăm khám theo lịch trình như thế nào, có được tắm nắng không...
Nghĩ rằng thắc mắc của mình có vẻ ngớ ngẩn, Conz e ngại và không dám hỏi ai mà chỉ âm thầm tra cứu trên Google. Sau đó, cô đã nhận ra rằng rất nhiều người cũng thắc mắc điều tương tự và những câu hỏi đó không hề ngớ ngẩn chút nào. Thế nhưng, cô cũng khuyên rằng, vì thông tin trên Google thường không phải là thông tin có tính chính xác cao, với những câu hỏi quan trọng, bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ của mình.