Những điều NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm vào MÙNG 1, 2, 3 TẾT?

Lễ tết 30/12/2022 10:15

Cùng xem những việc nên làm và nên tránh trong ngày mùng 1, 2, 3 tết để cả năm gặp nhiều may mắn nhé.

Nên làm gì vào ngày mùng 1 tết?

1. Đi chùa lễ

Không nên làm gì vào ngày tết
Đi lễ chùa đầu năm, cầu nguyện cho một năm an bình và nhiều may mắn! 

Đi lễ chùa lạc đầu năm trở thành một thói quen không chỉ của các tăng ni phật tử mà là của hầu hết dân ta tự bao giờ. Mọi người đều khấn lạy, cầu xin đức phật từ bi hỉ xả phù hộ cho gia đình, cho bạn bè, cho toàn bộ người thân yêu bên mình và cả mọi người kể cả người không quen biết được một năm đủ đầy hạnh phúc.

2. Hái lộc

Người Việt có tục hái lộc từ ngàn xưa. Vào thời điểm sau khi giao thừa, người ta thường đi chùa hái một cành lộc nhỏ với ý nghĩa tượng trưng là mang lộc chồi, mang sự sinh sôi nảy nở về nhà. Trong xã hội ngày càng phát triển, hái lộc xuân vẫn còn nguyên nét giá trị tinh thần dù đã có ít nhiều thay đổi trong quan niệm cũng như cách làm của mỗi người.

3. Uống ly nước "vàng" đầu năm

Cam và quýt là các loại trái cây mang đến điềm lành trong tín ngưỡng phương Đông. Chúng có màu tươi sáng, và là biểu tượng cho vàng, nên hãy uống một ly “vàng” vào ngày đầu năm, vừa may mắn vừa tốt cho sức khỏe.

4. Mua muối

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” vẫn là câu nói cửa miệng truyền biết bao nhiêu đời nay, cuối năm để chuẩn bị cho các bà các mẹ cơi trầu đầy đủ, con cháu vẫn thường sắm cả chút ít vôi cho miếng trầu thêm đậm đà, rồi mỗi sáng mùng 1, khi thấy cô hàng muối rao qua nhà, các bà các mẹ sẽ gọi lại để mua thêm ít mặn mà cho gia đình một năm thêm mặn mà bền chặt.

5. Mặc đồ màu đỏ

Ở hầu hết các nước phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và phú quý. Hãy ưu tiên những món đồ mang sắc đỏ như một lời cầu chúc đầu năm gặp nhiều niềm vui.

6. Chúc tết

Nên làm gì vào ngày tết

 

Gửi những lời chúc may mắn đến người thân và bạn bè!

Chúc Tết là một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết, hãy gửi lời chúc đầy yêu thương đến những người thân và bạn bè thân thiết của mình bạn nhé.

7. Tảo mộ

Tảo mộ cũng là một trong những việc nên làm để tưởng nhớ tổ tiên trong ngày mùng 1 Tết. Bên cạnh việc thắp hương để kính nhớ ông bà tổ tiên, nhiều gia đình còn ra tảo mộ trong buổi sáng ngày mùng 1 Tết để thể hiện lòng hiếu kính của mình.

Đây cũng là dịp để cả gia đình nhớ về cội nguồn, tri ân người đã khuất và cầu xin tổ tiên phù hộ gia đình năm mới được bình an. Mỗi người đều có một cội nguồn để thắp hương thờ cúng, chính vì thế, hãy thể hiện lòng hiếu kính của mình qua việc tảo mộ để đón ông bà tổ tiên cùng ăn Tết với gia đình.

Không nên làm gì vào ngày mùng 1, 2, 3 tết

1. Chú ý vấn đề xông đất

Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông đất ngày đầu năm. Bên cạnh đó, những người có tang cũng không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

2. Kiêng quét nhà đầu năm

Những điều NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm vào MÙNG 1, 2, 3 TẾT?  - Ảnh 3
 Bạn có thể quét nhà, nhưng chỉ nên dập gọn vào 1 góc chứ không nên hốt đi hay hất ra ngoài!

Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn.

3. Không đi chúc tết sáng mùng 1

Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

4. Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2

Theo tín ngưỡng dân gian, hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần nên cần kiêng giặt quần áo để không mạo phạm đến thần, dẫn đến gặp xui xẻo. Thực ra, người xưa chẳng có nhiều quần áo để giặt, và ngày Tết là dịp nghỉ ngơi, tiết trời lạnh, việc ngừng giặt hai ngày cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến họ.

5. Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen

Theo quan niệm của người xưa, mùa xuân phải rực rỡ sắc màu thể hiện sức sống vạn vật và con đàn cháu đống nên đầu năm thì phải mặc trang phục màu sắc sặc sỡ( hồng, đỏ, vàng, xanh...), tạo nên sự hứng khởi tươi vui. Chính vì vậy, các màu tẻ nhạt u trầm thường kiêng, đặc biệt hai màu trắng và đen là màu của tang lễ, chết chóc, bị kiêng triệt để.

6. Kiêng làm vỡ các đồ vật

Những điều NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm vào MÙNG 1, 2, 3 TẾT?  - Ảnh 4
 Đổ bể đồ vật thường tạo nên sự chia cắt, chia lìa trong các mối quan hệ!

Ông bà ta quan niệm, từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa từ những vật dụng trong nhà cho đến các mối quan hệ trong gia đình và xã hội. Đó thật sự là những điều không tốt và không ai mong muốn xảy ra trong đầu năm mới. Do đó, người già thường khuyên con cháu trong những ngày này phải cẩn thận, không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén,…sẽ khiến gia đình chia rẽ ,bất hòa.

7. Không cho lửa, nước đầu năm

Theo quan niệm của người xưa, lửa tượng trưng cho sự may mắn, gia đình êm ấm còn nước được ví như tài lộc. Chính vì vậy, các gia đình rất kiêng kỵ cho người khác xin lửa, nước đầu năm mới.

8. Kiêng nói tục, cãi vã

Những điều NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm vào MÙNG 1, 2, 3 TẾT?  - Ảnh 5
 Ngày đẹp trong năm, bạn đừng cãi vã hay nói những lời khiếm nhã nhé!

Ngày Tết là ngày vui nên ai cũng ứng xử vui vẻ, hòa nhã với nhau, tránh to tiếng, nói tục, xô xát để tránh gặp xui xẻo cả năm.

9. Không vay mượn, trả nợ

Người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, trả nợ trong ngày đầu tháng, đầu năm mới để tránh cho cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần, không thuận lợi trong công việc, làm ăn, kinh doanh.

10. Kiêng nói chuyện xui

Quan niệm rằng những lời nói trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “chết mất” hay "tiêu rồi”, "hỏng rồi”...

 11. Kiêng động tới dao, kéo

Dao kéo là những vật mang sát khí, do đó nên hạn chế động vào chúng trong ngày đầu năm, nhất là mùng 1 Tết. Để khắc phục điều này, các gia đình nên cất bớt dao kéo, chỉ nên để lại những cái cần dùng.

12. Kiêng ăn cháo, kiêng một số món ăn vào sáng mùng 1 Tết

Những điều NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm vào MÙNG 1, 2, 3 TẾT?  - Ảnh 6
 Ở miền Bắc, có nhiều địa phương thường tránh ăn phần đuôi cá chép vào ngày tết!

Bởi, người xưa cho rằng chỉ có những gia đình nghèo khổ mới phải ăn cháo, do đó ngày mùng 1 Tết nên nấu cơm để ăn. Bên cạnh đó, sáng ngày đầu năm, muôn thần sẽ tề tựu, việc ăn cơm nóng cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.

Trong những ngày đầu năm, người Việt thường không ăn thịt vịt, thịt chó, cá mè, mực, ốc,… vì theo quan niệm dân gian, những món ăn này sẽ mang tới điềm xấu. Ngoài ra, một số vùng còn không ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm, từ đó công việc sang năm sẽ lùi chứ không tiến.

Bên cạnh đó, ở miền Bắc, có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép, loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.

13. Kiêng đánh thức người khác vào sáng mùng 1

Những điều NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm vào MÙNG 1, 2, 3 TẾT?  - Ảnh 7
 Đừng tùy tiện đánh thức người khác vào ngày mùng 1 bạn nhé!

Nếu đi chúc Tết sáng mùng 1, gặp gia chủ đang ngủ, khách không nên đánh thức họ dậy mà đợi người đó tỉnh táo mới được chúc. Nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ khiến người ta bị “trù ẻo” cả năm phải nằm trên giường.

Người nhà cũng không đánh thức nhau dậy vào sáng mùng 1 vì quan niệm người nằm ngủ sẽ chịu sự thúc giục về công việc, cuộc sống trong suốt năm.

Trên đây là tổng hợp những điều nên và không nên làm vào những ngày đầu năm. Tuy những tập tục này vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh là đúng, nhưng ông bà ta vẫn có câu "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Chính vì vậy, hy vọng qua bài viết này, các độc giả sẽ lưu ý hơn về những tập tục này, để cả năm đều suôn sẻ và may mắn nhé!

Cúng 30 tết như thế nào cho đúng?

Chiều 30 tết, các gia đình Việt thường sắm sửa cúng tất niên. Phong tục này có từ lâu đời và không thể thiếu mỗi khi tết đến.

TIN MỚI NHẤT