Tìm hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì ngày tết

Đời sống 29/12/2022 13:45

Vào ngày tết, người Việt thường lì xì cho nhau để trao gửi những lời chúc tốt đẹp. Vậy phong tục này có ý nghĩa gì?

Phong bao lì xì đỏ thắm đã trở thành món quà đầu xuân không thể thiếu được với con trẻ, đôi khi với cả các bậc ông bà. Ngày nay, phần đông chúng ta chỉ biết rằng bao lì xì đỏ mang lại may mắn, tốt lành, phúc thọ hay tài lộc, mà không rõ nguồn gốc của phong tục đặc sắc này. Cụ thể thế nào, hãy cùng tìm hiểu ở ngay bài viết dưới đây nhé!

Lì xì là gì?

Tìm hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì ngày tết - Ảnh 1
 Lì xì là phong tục đẹp không thể thiếu trong ngày tết!

Tiếng “lì xì”vốn xuất phát từ chữ “lợi thì” trong tiếng Trung. Trong tiếng Quan Thoại, tục này được gọi là “hồng bao”, trong tiếng Quảng Đông là “lợi thị” hoặc “lợi sự”. Dù được gọi với tên gọi nào, lì xì cũng mang nghĩa là tiền hên, tiền may mắn, sự tốt lành được trao gửi tới người được nhận.

Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết. Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau. 

Khi con cháu họ hàng cũng như con cháu bạn bè, nếu còn nhỏ tuổi, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, nhiều ít tùy tình tuỳ cảnh. Ngược lại, khách cũng mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.

Bên cạnh đó, ngày nay lì xì không chỉ giới hạn trong mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mùng chín, mùng mười của Tết.

Nguồn gốc của tục lì xì ngày tết

Lì xì ngày tết
Phong tục lì xì ngày tết được gắn cùng vô vàn những câu chuyện cổ xưa!

Truyền thuyết về phong bao lì xì còn có nội hàm sâu xa của văn hóa Thần truyền, gắn liền với sự bảo hộ từ bi của thần linh đối với con người.

Ngày xưa, ở Đông Hải có một cây đào to, có rất nhiều yêu quái sống trong bộng cây, như hồ ly tinh, chuột tinh… Chúng luôn muốn ra ngồi bộng cây để gây hại bá tánh, song lúc nào cũng bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, cứ vào lúc giao thừa thì tất cả các thần tiên đều phải về trời để nhận nhiệm vụ mới theo sự phân công của Thượng Đế. Nhân cơ hội này, có một con yêu quái tên là Tuy xuất hiện: nó xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến trẻ giật mình khóc thét rồi bị sốt hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì vậy, các gia đình có con nhỏ thường thức suốt cả đêm để canh không cho yêu quái Tuy ám hại con mình.

Một lần, có một gia đình vợ chồng nọ mãi mới có một mụn con, mà đứa bẻ lại đang bị con yêu quái Tuy xoa đầu đến khóc thét, đúng lúc mấy vị tiên đi ngang nhà, vì lòng thương mà họ đã hóa thành những đồng tiền nằm bên mấy đứa trẻ. Thấy vậy, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ. Khi con Tuy đến, những đồng tiền trong tấm vải đỏ liền lóe sáng khiến con Tuy sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian.

Từ đó mỗi khi tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, gọi là tiền mừng tuổi nhưng thực ra là để xua đuổi tà ma, mang lại sức khỏe và phước lành cho con trẻ. Qua đó, con người cũng thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn của mình đối với các vị Thần.

Lì xì ngày tết có ý nghĩa gì?

Phong tục lì xì
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí!

Ngày nay tục lì xì ngày Tết rất phổ biến ở những quốc gia châu Á như Trung QUốc, Việt Nam, Nhật Bản,... Ý nghĩa lì xì ngày Tết là cầu chúc may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi người. Theo đó cả người nhận và người tặng phong bao đều nhận những điều tốt đẹp trong năm mới.

Không chỉ vậy, phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo – không muốn có sự so bì hơn thua dẫn đến xích mích. Bao lì xì thường có màu đỏ, trong truyền thống Á Đông là màu của sự may mắn, cát tường. Vì vây, các bậc phụ huynh hãy dặn bé đừng nên mở ngay phong bì trước mặt người tặng nhé.

Tóm lại, ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện chí, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn.

Lưu truyền đến ngày nay, tục lì xì đã thay đổi ít nhiều bởi thói quen của người lớn dẫn đến việc con trẻ thường coi trọng “nội dung” bao lì xì mà ít quan tâm đến những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục này. Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, các bậc phụ huynh nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì và dạy trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, chứ không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì.

Bên cạnh việc giữ gìn giá trị tinh thần, người lớn còn cần bảo vệ sức khỏe cho con trẻ trong những ngày Tết. Khi qua phong tục trao lì xì, chúng ta có thể trao luôn… vi khuẩn trên tay mình cho người nhận. Theo thống kê, mỗi bao lì xì thường chứa đến 10 triệu vi khuẩn gây hại, mang nhiều mầm bệnh như đau mắt đỏ, cảm cúm, tiêu chảy… Vì thế, cả người nhận lẫn người trao đều cần chú ý giữ vệ sinh đôi tay bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, để tránh trao mầm bệnh cho nhau.

Trên đây là tất tần tật về phong tục lì xì ngày tết. Dù theo thời gian, phong tục này có nhiểu điều thay đổi, nhưng tựu chung lại vẫn là một phong tục đẹp, với mong muốn cầu may mắn, bình an và tài lộc đến cho người được nhận. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các quý độc giả sẽ biết gìn giữ và lưu truyền những ý nghĩa cao đẹp của phong tục lì xì ngày tết này nhé!

Tuyển tập thơ chúc tết người yêu hay không "cưỡng nổi"

Những bài thơ chúc tết người yêu này chắc chắn sẽ khiến người bạn yêu phải “ngã khụy” khi đọc được. Họ sẽ vô cùng bất ngờ đấy.

TIN MỚI NHẤT