Chúng tôi gợi ý cho bạn ăn nhiều "3 món màu trắng, 2 màu đỏ" để dưỡng ẩm, nuôi dưỡng cơ thể và không gây nóng trong.
- Sang mùa thu, phụ nữ được khuyên nên ăn nhiều hơn 5 "báu vật bổ dưỡng": Khuôn mặt sẽ đẹp như một bông hoa đào và trông trẻ hơn
- 5 món cháo dễ nấu thích hợp cho bữa sáng, ăn ngon lại tốt cho lá lách, dạ dày và dưỡng ẩm giúp da căng mịn
Sang mùa thu, thời tiết chuyển đổi, cơ thể con người cũng phải thích ứng với sự thay đổi theo mùa này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải lên các chiến lược sức khỏe để đạt được trạng thái hài hòa về thể chất và tinh thần cũng như cân bằng bên trong với bên ngoài. Lúc này trọng tâm là "làm ẩm", "nuôi dưỡng âm" và "điều chỉnh công việc và nghỉ ngơi".
Đầu tiên, hãy điều chỉnh thói quen của bạn cho phù hợp với mùa. Đi ngủ sớm và dậy sớm, tránh thức khuya để tuân theo quy luật âm dương thay đổi của tự nhiên. Đi ngủ sớm vào ban đêm và tận dụng những đêm mát mẻ của mùa thu để cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục hoàn toàn. Đồng thời, các hoạt động ngoài trời thích hợp như đi bộ, chạy bộ, v.v..., không chỉ có thể tận hưởng vẻ đẹp mát mẻ của mùa thu mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường chức năng tim phổi và tạo nền tảng sức khỏe vững chắc khi mùa đông đến.
Thứ hai, dưỡng âm là điều quan trọng nhất. Trong việc chăm sóc sức khỏe mùa thu chúng ta cần chú ý bồi bổ hợp lý để cân bằng âm dương cho cơ thể. Bạn có thể bổ sung hợp lý một số thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất như cá, đậu, rau lá xanh,… để giúp bồi bổ cơ thể và nâng cao khả năng miễn dịch. Ngoài ra, duy trì giấc ngủ đầy đủ cũng là một cách quan trọng để nuôi dưỡng âm.
Cuối cùng, dưỡng ẩm là chìa khóa. Khi không khí trở nên khô hanh vào mùa thu, cơ thể con người dễ bị khô và khó chịu, bạn nên ăn nhiều thực phẩm nuôi dưỡng âm và dưỡng ẩm cho da khô như nấm tuyết, củ hoa huệ, quả lê, v.v... Chúng không chỉ nhiều nước mà còn nuôi dưỡng phổi và dạ dày đồng thời dưỡng ẩm tốt vào mùa thu. Việc tăng lượng nước uống và giữ cho cơ thể đủ nước cũng là một khía cạnh không thể bỏ qua. Chúng tôi gợi ý cho bạn ăn nhiều "3 món màu trắng, 2 màu đỏ" để dưỡng ẩm, nuôi dưỡng cơ thể và không gây nóng trong.
"3 món màu trắng"
1. Thịt vịt = Món ăn gợi ý: Canh vịt bí đao
Mùa thu là thời điểm vịt béo, ngon nhất. Ăn vịt vào thời điểm này không chỉ đúng mùa mà còn có nhiều lợi ích cho cơ thể. Thịt vịt có tính mát, vị ngọt và mặn, tác dụng tốt cho tỳ vị, dạ dày, phổi, thận, thích hợp dùng vào mùa thu, giúp giảm bớt cảm giác khó chịu do khô hanh của mùa thu. Thịt vịt mềm, giàu chất dinh dưỡng như protein chất lượng cao, chất béo, vitamin B và khoáng chất, có thể cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường thể lực. Ngoài ra, tỷ lệ axit béo trong thịt vịt gần đạt giá trị lý tưởng, tiêu thụ vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe tim mạch. Về cách chế biến, bạn có thể chọn hầm, luộc, quay, om, kho… như "vịt om sấu", "vịt hầm bia" và "canh vịt bí đao" vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Nguyên liệu làm món canh vịt bí đao
Nửa con vịt, 300g bí đao, vài lát gừng, 1 thìa canh rượu nấu ăn, 1 thìa cà phê bột gừng, dầu ăn, lượng gia vị vừa phải.
Cách làm món canh vịt bí đao
Bước 1: Rửa sạch vịt với muối và gừng, để ráo nước. Sau đó chặt thịt vịt thành các miếng vừa ăn. Cho dầu ăn vào nồi và đun nóng. Thêm thịt vịt cùng 1 thìa canh rượu nấu ăn vào rồi xào trên lửa lớn. Xào thịt vịt cho tiết bớt mỡ, miếng thịt săn lại.
Bước 2: Chắt mỡ ra sau đó cho lượng nước thích hợp vào nồi. Đun sôi thịt vịt và hầm trong khoảng 20 phút. Trong lúc này bạn sơ chế bí đao. Gọt bỏ vỏ và ruột bí sau đó rửa sạch rồi cắt thành các miếng nhỏ. Sau khi hầm thịt vịt xong thì cho vào nồi, thêm ít bột gừng, nêm gia vị cho vừa ăn. Tiếp tục nấu trong khoảng vài phút cho bí đao chín rồi lấy ra bát.
2. Củ niễng = Món ăn gợi ý: Củ niễng xào trứng
Củ niễng là loại rau theo mùa; là thực phẩm thu hoạch vào mùa thu và được nhiều người yêu thích bảo hương thơm và vị giòn. Củ niễng không chỉ ngon mà còn giàu chất dinh dưỡng như protein, chất xơ, vitamin C, vitamin E, kali, canxi và các khoáng chất khác. Chất xơ giúp thúc đẩy nhu động ruột và cải thiện chức năng tiêu hóa; vitamin C và vitamin E là những chất chống oxy hóa mạnh mẽ có thể giúp chống lại tổn thương gốc tự do, bảo vệ sức khỏe. Khi ăn củ niễng vào mùa thu bạn có thể xào cùng thịt hoặc hải sản hay trứng… vừa bổ dưỡng, có màu sắc, mùi thơm và hương vị thơm ngon.
Nguyên liệu làm món củ niễng xào trứng
5 củ niễng, 3 quả trứng gà, 2 cây hành lá, 1/2 quả ớt chuông, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh nước tương, một chút gia vị, 1 thìa canh nước cốt gà (hoặc bột nêm).
Cách làm món củ niễng xào trứng
Bước 1: Củ niễng bỏ hết bẹ, rửa sạch. Sau đó cắt củ niễng thành các lát rồi xắt thành sợi. Ớt chuông bạn cũng cắt thành sợi. Hành lá rửa sạch và xắt thành các đoạn nhỏ.
Bước 2: Đập trứng vào bát, thêm 1 thìa nước vào rồi đánh đều. Đặt chảo lên bếp, cho một lượng dầu thích hợp vào và đun nóng. Sau đó đổ trứng vào, dùng đũa khuấy theo chiều kim đồng hồ trong khi chiên. Làm như vậy trứng sẽ tạo thành những miếng bông xốp tự nhiên. Sau đó lấy trứng ra đĩa. Để lại dầu trong chảo, thêm củ niễng và ớt thái sợi vào xào. Nêm dầu hào, nước tương, rồi xào đều. Khi các nguyên liệu chín thì cho trứng, hành lá vào xào đều. Cuối cùng thêm chút gia vị và nước cốt gà cho vừa miệng rồi thưởng thức.
3. Củ hoa huệ = Món ăn gợi ý: Chè nấm tuyết, hạt sen, củ hoa huệ và táo đỏ
Củ hoa huệ là loại nguyên liệu vừa làm thuốc và thực phẩm, đặc biệt thích hợp dùng vào mùa thu. Khí hậu khô hanh vào mùa thu có thể dễ dàng gây ra khô họng, ho và các triệu chứng khác trong cơ thể. Tiêu thụ củ hoa huệ vừa phải có thể đóng vai trò rất tốt trong việc làm giảm tình trạng này. Ngoài ra, củ hoa huệ còn giàu protein, tinh bột, chất béo, canxi, phốt pho, sắt và các khoáng chất khác, có thể bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trong nấu ăn, củ hoa huệ có thể nấu cháo, canh hoặc xào với các nguyên liệu khác như "chè nấm tuyết, hạt sen, củ hoa huệ", "canh củ hoa huệ"… vừa bổ dưỡng lại thơm ngon.
Nguyên liệu làm món chè nấm tuyết, hạt sen, củ hoa huệ và táo đỏ
30g củ hoa huệ khô, 1 cây nấm tuyết, 20g hạt sen tươi, 15g táo đỏ, 15g đường phèn, 5g kỷ tử.
Cách nấu chè nấm tuyết, hạt sen, củ hoa huệ và táo đỏ
Bước 1: Ngâm tất cả các nguyên liệu. Nấm tuyết và củ hoa huệ cần ngâm nước trước 2 tiếng. Sau đó xé nấm tuyết thành từng miếng nhỏ, rửa sạch rồi cho vào nồi, thêm lượng nước thích hợp. Đặt lên bếp, đun sôi rồi vặn nhỏ lửa và tiếp tục nấu trong nửa tiếng. Sau đó thêm củ hoa huệ vào và nấu trong 10 phút.
Bước 2: Tiếp theo bạn cho hạt sen vào cùng với táo đỏ thái lát. Nấu khoảng 10 phút thì thêm đường phèn, đun cho đến khi tan hoàn toàn. Cuối cùng bạn thêm kỷ tử vào.
"2 món màu đỏ"
1. Cà chua = Món ăn gợi ý: Thịt ức bò hầm cà chua
Cà chua vào mùa thu đông thường được "ủ" nắng tốt hơn nên có vị ngọt, đậm đà hơn. Cà chua rất giàu vitamin C, vitamin A và các khoáng chất như kali, sắt, v.v... Những chất dinh dưỡng này rất quan trọng để tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, lycopene trong cà chua là chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp chống lại các tổn thương gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Với vai trò là thực phẩm trong nấu ăn, cà chua có thể được ăn sống, hoặc dùng trong các món xào và súp, chẳng hạn như trứng bác cà chua, ức bò hầm cà chua, v.v..., đều là những món ngon trên bàn ăn vào mùa thu.
Nguyên liệu để làm món thịt ức bò hầm cà chua
500g thịt ức bò, 1-2 gốc hành baro, nửa củ hành tây cắt múi cau, 5 tép tỏi, 20g đường phèn, hoa hồi, quế, lá nguyệt quế, hương thảo, 3 quả cà chua, 1 nhánh gừng, một ít sốt cà chua, một ít rau mùi, 2 thìa canh nước tương, lượng gia vị thích hợp.
Cách làm món thịt ức bò hầm cà chua
Bước 1: Thịt bò rửa sạch rồi thái miếng và ngâm vào nước lạnh khoảng 15 phút cho ra hết huyết thừa. Chần thịt bò trong nước sôi pha rượu nấu ăn để khử hôi. Cà chua chần qua nước sôi, bóc vỏ và cắt thành miếng nhỏ. Hành baro và tỏi băm nhỏ. Cho dầu ăn vào chảo rồi phi thơm hành, tỏi băm. Sau đó cho 2/3 số cà chua vào xào, thêm một lượng nước tương và sốt cà chua thích hợp. Cho thịt bò đã chần vào xào đều, thêm đường phèn rồi xào chín các nguyên liệu.
Bước 2: Thêm nước và đun sôi. Nêm thêm chút gia vị rồi vặn lửa nhỏ và hầm trong khoảng 20 phút thì cho phần cà chua cùng hành tây vào đun tiếp. Sau khi hầm khoảng 20-30 phút nữa thì bạn tắt bếp. Hoặc để rút ngắn thời gian hầm thì bạn có thể dùng nồi áp suất.
2. Bí đỏ = Món ăn gợi ý: Súp bí đỏ
Bí đỏ là một trong những nguyên liệu tiêu biểu của mùa thu. Bí đỏ rất giàu chất xơ, beta-carotene, vitamin C và các khoáng chất như kali và magiê. Đặc biệt là beta-carotene - chất có thể chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, rất cần thiết cho việc bảo vệ thị lực. Bí đỏ có thể được nấu theo nhiều cách khác nhau. Nó có thể hấp, luộc, làm bánh hoặc nấu cháo và các món ngon khác, không chỉ thỏa mãn nhu cầu vị giác mà còn giàu dinh dưỡng.
Nguyên liệu làm món súp bí đỏ
300g bí đỏ, 50g kem tươi, 100g sữa tươi, 2g muối, một chút bột tiêu đen.
Cách làm món súp bí đỏ
Loại bỏ ruột và vỏ bí đỏ rồi rửa sạch. Cắt bí đỏ thành lát mỏng và cho vào đĩa dùng được trong lò vi sóng. Cho bí đỏ vào lò vi sóng và quay nóng trong 4-5 phút đến khi bí đỏ chín mềm. Cho bí đỏ vào máy xay cùng với sữa tươi rồi xay mịn. Đổ hỗn hợp bí đỏ vào nồi, thêm kem tươi, khuấy và đun trên lửa nhỏ. Thêm muối và khuấy liên tục. Khi hỗn hợp bí đỏ sánh đặc thì tắt bếp và cho ra đĩa.