Ngày 24/10, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết đã tiếp nhận đơn từ đại diện của ca sĩ Nhật Kim Anh. Trong đơn, nữ ca sĩ diễn viên tố cáo các TikToker đăng video thất thiệt về sản phẩm gây ảnh hưởng uy tín.
- Động thái gây chú ý của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh và diễn viên Hồng Đăng sau phán quyết vụ việc ở Tây Ban Nha
- Thái độ gây chú ý bà xã Hồng Đăng sau khi có phán quyết về vụ việc ở Tây Ban Nha
Theo thông tin từ Tri Thức - Znews, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xác nhận Sở đã nhận đơn tố cáo từ phía ca sĩ Nhật Kim Anh về việc các TikToker đưa thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến cô cùng công việc kinh doanh của công ty.
Cụ thể, phía Nhật Kim Anh cho biết tài khoản Vi.V đánh giá sai lệch chất Aspartame có trong sản phẩm, cho rằng chất này gây hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ ung thư. Dù chưa có thông tin từ cơ quan chức năng, người này kêu gọi người dùng tẩy chay. Video đăng ngày 21/8 đến nay có hơn 7 triệu lượt xem.
Ngày 19/10, tài khoản TikTok khác có tên CEO V.L hơn 108.000 lượt theo dõi tiếp tục đăng video công kích. Theo nội dung video đăng tải, người này nói sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo không tốt cho người tiêu dùng. Tài khoản này cho rằng sản phẩm có chất tạo ngọt 951 - Aspartame và chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh cáo có nguy cơ gây ung thư.
Sau bốn ngày đăng tải, video hiện có hơn 6 triệu lượt xem. Dưới phần bình luận, nhiều người công kích, kêu gọi tẩy chay sản phẩm.
Theo thông tin từ Tiền Phong, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Danh mục phụ gia được phép sử dụng tại quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX, đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị".
Phụ gia thực phẩm được quy định trong tiêu chuẩn này được Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO)/Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu, đánh giá và đưa ra bằng chứng khoa học là không gây ra các rủi ro về sức khỏe cho con người khi sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng không vượt quá mức sử dụng tối đa đề xuất tại Tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý phụ gia thực phẩm được quy định sử dụng trong một số nhóm thực phẩm và mức sử dụng tối đa cụ thể, không phải sản phẩm thực phẩm nào cũng được dùng.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho thấy việc sử dụng phụ gia thực phẩm Aspartame (INS 951) để làm chất tạo ngọt không bị nghiêm cấm. Việc đăng video khi chưa có sự kiểm chứng khiến người xem hiểu lầm, gây ảnh hưởng.