Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng lý giải ý nghĩa của bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan

Đời sống 29/08/2023 09:02

Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Tại buổi đại lễ Vu Lan báo hiếu tổ chức tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa đã có giải thích ý nghĩa của nghi thức bông hồng cài trên ngực áo.

Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng lý giải ý nghĩa của bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan - Ảnh 1

Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, nói đến bông hoa hồng không chỉ là biểu tượng của tình yêu theo nghĩa thông thường, mà còn là biểu tượng của sự cao cả sâu rộng. Hoa hồng tượng trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con cái đối với bậc sinh thành dù cho họ còn hay không còn trên cõi đời này.

"Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng lý giải ý nghĩa của bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan - Ảnh 2

Ai còn cha mẹ sẽ được gài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ - đó là lời nhắc nhở ràng vẫn còn cha mẹ. Còn cả bầu trời yêu thương rộng lớn để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ rằng hãy luôn biết làm vui lòng cha mẹ. Người cài bông hồng đỏ là những người may mắn hẳn sẽ rất tự hào vì trên đời này họ còn cha mẹ.

Những người con mất cha hoặc mất mẹ sẽ cài lên ngực áo một bông hồng màu hồng nhạt.

Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng lý giải ý nghĩa của bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan - Ảnh 3

Ai mất cả cha và mẹ thì sẽ cài lên bông hồng trắng. Hoa hồng trắng mang màu tinh khiết ý nghĩa buồn thương, đồng thời nhắc nhở con người hãy sống thật tốt, thật ý nghĩa để những người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện nơi trần thế. Ai mang trên ngực bông hồng trắng sẽ thấy sự nhắc nhở rằng họ đã lỡ mất đi thứ quý giá nhất để từ đó hãy sống và hành động sao cho phải với lương tâm, với sự hy sinh vất vả của cha mẹ.

Ngoài màu hoa hồng đỏ và trắng thì còn có thêm hoa hồng mang sắc vàng được gắn trên ngực áo các tu sĩ. Hoa hồng vàng đại diện cho sự phổ độ chúng sinh, mượn thân tứ đại do cha mẹ sinh ra để giải thoát (theo nghĩa nhà Phật).

Sự cứu độ chúng sinh đạt tới sự giác ngộ là cách để báo đáp ân tình, báo hiếu cha mẹ ở hiện tại và các đời khác. Những tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn tất cả chúng sinh, việc cài hoa hồng vàng thể hiện tấm lòng cao quý, tâm hồn cao cả.

Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng lý giải ý nghĩa của bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan - Ảnh 4

Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng nhấn mạnh, đại lễ Vu Lan, con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già.

Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng lý giải ý nghĩa của bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan - Ảnh 5

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, trong dịp đại lễ Vu Lan, mọi người nên làm những điều thánh thiện nhất. Con cái phải nhìn lại xem mình đã hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ thế nào. Ngược lại, mẹ cha cũng phải xem đã làm hết thiên chức của mình chưa. Bên cạnh đó, mọi người cũng phải san sẻ tình yêu thương tới mọi người.

"Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm nhưng việc hiếu nghĩa cần phải thực hành cả đời này. Anh em hòa thuận, con cháu phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam hàng ngàn năm nay", Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nhấn mạnh.

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những đại lễ báo hiếu quan trọng, được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo, được tổ chức ở nhiều địa phương trong nước.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu), một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục. Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên thưa với với Đức Phật Thích Ca làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy, bà Thanh Đề sau khi chết bị đày dưới địa ngục là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam.

Vì vậy, muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp Rằm tháng 7, sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.

Vu Lan chỉ là tháng trọng tâm, hiếu nghĩa phải thực hành cả đời

Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, ngày lễ lớn đối với những người con Phật mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu triệu người Việt Nam.

TIN MỚI NHẤT