Theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đến 5 giờ ngày 11-9, đã có 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích).
- "Người hùng" trên dòng nước lũ vụ sập cầu Phong Châu: Không nghĩ nhiều trước giây phút cứu người trôi giữa dòng nước xiết
- Yên Bái: Mưa trắng trời, xuyên đêm chạy lũ giúp nhân dân di dời đến nơi an toàn
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, theo Cục quản lý đề điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đến 5 giờ ngày 11-9, đã có 200 người chết, mất tích (141 người chết, 59 người mất tích).
Tại Cao Bằng: 52 người tại huyện Nguyên Bình (29 người chết, 23 người mất tích).
Lào Cai: 66 người (45 người chết, 21 người mất tích), gồm: Sa Pa 9, Bát Xát 13, Si Ma Cai 7, Bắc Hà 15, Văn Bàn 2, Bảo Yên 20; hiện còn nhiều người mất tích do lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên.
Yên Bái: 40 người do sạt lở đất (37 người chết, 3 người mất tích), gồm: Lục Yên: 13, TP Yên Bái 20, Văn Chấn 1, Văn Yên 4, Trấn Yên 2.
Quảng Ninh: 13 người chết (do bão 12 người; lũ cuốn 1 người); Hải Phòng: 2 người chết do bão; Hải Dương: 1 người chết do bão; Hà Nội: 1 người chết do bão; Hòa Bình: 5 người chết do sạt lở đất; Lạng Sơn: 3 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất; Bắc Giang: 1 người chết do lũ cuốn; Tuyên Quang: 2 người mất tích do lũ cuốn; Hà Giang: 2 người (1 người chết; 1 người mất tích); Lai Châu: 1 người chết do sạt lở đất; Phú Thọ: 9 người (8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 1 người chết do sạt lở đất); Vĩnh Phúc: 2 người (1 chết, 1 người mất tích do lật thuyền).
Như vậy, số người chết và mất tích do bão số 3 và mưa lũ tăng 13 người so với báo cáo lúc 22 giờ ngày 10-9. Trong đó, Lào Cai tăng 11 người: Sa Pa: 1; Si Mai Cai: 3; Bắc Hà: 2; Bảo Yên: 5 (không thuộc khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại xã Phúc Khánh); Vĩnh Phúc: 2 người.
Theo thông tin từ báo Dân Trí, sáng 11/9, trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phát thông báo lũ đặc biệt lớn trên sông Thao, lũ khẩn cấp trên sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Hoàng Long và tin lũ trên sông Thái Bình, sông Lục Nam, sông Hồng.
Theo đó, diễn biến lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang xuống nhưng vẫn ở trên mực nước lũ lịch sử năm 1968; tại Phú Thọ đang biến đổi chậm.
Lũ trên sông Lô (Tuyên Quang, Phú Thọ), sông Cầu (Bắc Ninh), sông Thương (Bắc Giang), sông Thái Bình (Hải Dương), sông Hồng (Hà Nội), sông Hoàng Long (Ninh Bình) đang lên; sông Lục Nam (Bắc Giang) đang xuống.
Trong 10 giờ tới, lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 3, tại Phú Thọ biến đổi chậm ở mức báo động 2.
Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng đạt đỉnh 27,8m, trên báo động 3 1,8m vào sáng sớm 11/9, sau đó xuống chậm, tại Vụ Quang tiếp tục lên và đạt đỉnh ở mức 21m, trên mức báo động 3 vào trưa 11/9, sau đó xuống.
Lũ trên sông Cầu tiếp tục lên và ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 2; lũ trên sông Thái Bình tiếp tục lên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm trên mức báo động 3.
Đáng lưu ý, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa 11/9.
Còn lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang những giờ tiếp theo sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên mức báo động 3, tại Vụ Quang sẽ xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 2.
Trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.
Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm tại các vùng trũng thấp ven sông thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình.