Chân dung “người hùng” cứu được anh Phan Thanh Sơn là anh Ngô Văn Khanh, sinh năm 1998, trú khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông.
- Cập nhật thêm danh sách sơ bộ các nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu: "Còn ít nhất 10 người dưới dòng sông"
- Nỗi đau xé lòng sau vụ sập cầu Phong Châu: Xuyên đêm chong đèn, ngóng tin người thân mất tích, đợi chờ một tia hy vọng nhỏ nhoi...
Liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) có những "người hùng" với hành động nghĩa hiệp, cứu giúp người hoạn nạn. Một trong số đó là anh Ngô Văn Khanh, 26 tuổi, ngụ khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông. Được biết, anh Khanh là người cứu giúp anh Phan Trường Sơn khi cầu sập, anh này rơi xuống sông Hồng cùng chiếc xe máy.
Chia sẻ trên báo Pháp Luật TP.HCM, anh Khanh cho biết, lúc sập cầu Phong Châu, anh đang ở trong nhà và nghe tiếng tri hô "sập cầu rồi". Theo bản năng, Khanh chạy ra ngoài nhìn về phía thượng nguồn. Theo dòng nước ngược lên, Khanh thấy lẫn trong dòng nước chảy siết với rác, gỗ là bóng dáng một người đàn ông đang cố bám vào thân cây đang chới với giữa dòng. Nghe tiếng kêu cứu, Khanh không nghĩ nhiều mà chạy ra con đò của gia đình rồi cố gắng tiếp cận người bị nạn.
Nước lớn và chảy mạnh, thanh niên 26 tuổi và con đò rất khó khăn mới tiếp cận được nạn nhân. Khi nạn nhân trôi tới, anh Khanh đưa người này lên đò rồi tìm cách bơi vào bờ, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Nạn nhân được cứu vớt là một người đàn ông, bị thương khắp người nhưng nặng nhất là ở chân cùng với trạng thái hoảng loạn.
"Anh ấy hoảng sợ, không nói được gì, chân tay run bần bật. Bình tâm một lúc lâu, người này mới lấy đọc số điện thoại người nhà để tôi gọi thông báo", Khanh kể lại.
Với danh xưng được chúng tôi gọi tạm, "người hùng cứu vớt nạn nhân sập cầu Phong Châu", chàng trai trẻ 26 tuổi từ chối và cho biết, trong hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ hành động như vậy.
Về phần nạn nhân Phan Trường Sơn, sau nhiều giờ điều trị tại TTYT huyện Tam Nông, tinh thần và sức khỏe anh này đã dần ổn định.
Anh Sơn cũng cho biết, không nghĩ mình còn sống sau khi rơi cả người và xe xuống sông Hồng. "Tôi chìm rất sâu sau khi rơi xuống sông, rồi cố gắng ngoi lên mặt nước. Bơi được một đoạn tôi vớ được thân cây, sau đó có thuyền ra cứu", anh Sơn nhớ lại.
Như trước đó báo Dân Việt đưa tin, khoảng 10 giờ sáng 9/9, cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ) đã bất ngờ sập xuống. Hiện chưa có thông tin chính thức về vụ việc, tuy nhiên, theo người dân cung cấp, thời điểm cầu sập, trên cầu có cả ô tô và xe máy.
Theo lãnh đạo UBND huyện Tam Nông, thời điểm sập cầu Phong Châu, Phú Thọ nhiều khả năng cao người và phương tiện gặp nạn khi đang lưu thông.
Đến 18h30 cùng ngày, theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Thọ, sơ bộ ban đầu xác định tại thời điểm xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó: 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Do nước lũ dâng cao, chảy xiết nên việc triển khai các biện pháp tìm kiếm cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, chưa xác định chính xác về số lượng phương tiện và số người bị mất tích.
Cầu Phong Châu là một cây cầu bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ. Cầu có lý trình tại Km 18+300 Quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.