Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt.
- Người lao động nghỉ 5 ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5
- Lịch nghỉ dịp giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 năm 2018 mấy ngày?
Vùng đất - nơi đền Hùng tọa lạc là một vùng bán sơn địa, thì khu vực Đền Hùng rộng hơn khu di tích Đền Hùng, ở phía Đông và phía Tây đều có những dãy núi lớn, kèm những miền đồi gò và mạch đất đồi, do những vận động tạo sơn từ thời trung sinh đại từ nhiều triệu năm về trước, chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, làm thành những đường viền nổi cao đồng thời chia cắt địa hình thành những điểm hoặc trên khu trũng (lũng) nhỏ. Hướng chạy của núi đồi cũng là hướng của dòng chảy 3 dòng sông lớn của miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà.
Di tích lịch sử Đền Hùng
Nhân dân vùng Việt Trì và Lâm Thao, Phú Thọ truyền miệng trong dân gian những câu chuyện truyền thuyết: Trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh là nơi các Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng họp bàn việc nước, tế lễ các vị thần tự nhiên và thần nông nghiệp, Vua Hùng đã gọi Vía Lúa, cầu cúng tế lễ trời đất để cầu mong mưa nắng thuận hoà, mùa màng tốt tươi, muôn dân no ấm, hạnh phúc. Sau này khi các ngôi đền được xây dựng trên núi để thờ vua Hùng và vợ con tướng lĩnh nên nhân dân gọi là Núi Hùng. Cư dân địa phương có công trông nom đền thờ Hùng Vương được phong gọi là Trung Nghĩa, núi có đền Hùng được gọi là núi Nghĩa hay núi Nghĩa Lĩnh.
Kể từ khi có Đền Hùng tới đầu thế kỷ XX, các ngôi đền và chùa đều do các thôn làng ở xung quanh phía tây nam núi Nghĩa Lĩnh thờ cúng và tu bổ, (thôn Vi nay thuộc xã Chu Hải được phân trụ trì Đền Hạ, thôn Trẹo nay thuộc xã Hy Cương được phân trụ trì Đền Giếng, Đền Trung, Đền Thượng).
Khu Di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng rộng lớn bao gồm các đơn nguyên: Cổng chính của đền, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, Lăng Hùng Vương, cột đá thề, Đền Giếng, Đền Thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền thờ mẹ Âu Cơ.
Cổng đền được xây dựng năm Khải Định thứ 2 (1917), kiến trúc kiểu vòm cuốn, cổng có hai tầng, 8 mái. Tầng dưới có một cửa vòm cuốn, tầng trên có cửa vòm nhỏ, 4 góc có trang trí rồng, trên nóc đắp nổi hình “lưỡng long chầu nguyệt” theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai bên cổng có hai cột trụ, trên đỉnh đắp nổi hai con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi hình tượng hai võ sỹ, mình mặc áo giáp, giữa ngực có trang trí hình tượng Hổ phù. Một tượng tay võ sỹ cầm giáo, tượng kia võ sỹ tay cầm rìu chiến. Trang phục và vũ khí vật chiến của võ sỹ này mang dư ảnh dấu ấn chiến tranh, thời đại các Vua Hùng.
Từ cổng đền qua 225 bậc là tới Đền Hạ, “khuôn viên khu Đền Hạ thuộc tầng thấp của Núi Hùng, tổng diện tích là 3.280 m2. Chính vì ở vị trí thấp và rộng trên núi Hùng nên nơi đây có 2 đơn nguyên kiến trúc một ngôi chùa của tôn giáo và đền của tín ngưỡng. Toàn bộ những kiến trúc hiện còn tồn tại trên mặt đất khu vực Đền Hạ đa phần thuộc thời Nguyễn trở lại đây.
Từ đền Hạ, đi tiếp 168 bậc đá là tới Đền Trung, đền Trung có tên chữ là “Hùng Vương Tổ Miếu”. Tương truyền đây là nơi vua Hùng thường họp bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Cách bài trí thờ tự ở đền Trung giống như đền Hạ.
Từ Đền Trung đến Đền Thượng cách nhau 102 bậc, đền có tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh điện” (nghĩa là: Điện thờ trời trên núi Nghĩa Linh). Xưa kia, đền còn có tên là “Cửu trùng thiên điện” (nghĩa là: Điện thờ trời trên chín tầng mây).
Đền Hùng là một công trình kiến trúc có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với đời sống văn hóa tinh thần người Việt. Đây là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó, mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn động lực tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam.