Ngày 28/4, bác sĩ Vương Trường Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) xác nhận một bác sĩ của trung tâm bị hành hung trong quá trình cấp cứu bệnh nhân.
- Cặp đôi 'Chị ơi anh yêu em' ở đêm tổng hợp luyện 30/4 'gây sốt' mạng xã hội
- Xe khách 45 chỗ mất lái, đâm vào nhà dân làm 1 người tử vong, 2 người trọng thương
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, bác sĩ Cao Việt Hưng, phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ), cho biết sự việc xảy ra tại khoa ngoại trung tâm chiều 25/4.
Bé trai 12 tuổi bị tai nạn giao thông được bố mẹ cùng người thân đưa đến trung tâm trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, vùng trán, chân tay xuất hiện vết sưng nề bầm tím, chảy máu...
Chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy trẻ bị xuất huyết não tụ máu ngoài màng cứng, tụ khí ngoài màng cứng thùy trán phải... Bệnh nhi được chỉ định dùng thuốc giảm đau, tiêm kháng độc uốn ván, kháng sinh.
Tuy nhiên, khi điều dưỡng viên đang tiêm kháng sinh được 1/3 bơm tiêm (7ml/20ml kháng sinh) thì phát hiện bé trai có biểu hiện sốc phản vệ, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt và rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, hồi sức tim phổi để cứu sống bệnh nhi theo phác đồ cấp cứu sốc phản vệ của Bộ Y tế.
Trong khi các bác sĩ đang nỗ lực ép tim, cấp cứu cho trẻ, người nhà đứng quanh giường bệnh liên tục kêu gào, dùng lời lẽ xúc phạm, chửi bới, gây khó khăn, cản trở các y bác sĩ. Bác sĩ Hưng cho hay dù các y bác sĩ đã yêu cầu người nhà người bệnh ra ngoài để có thể tập trung cứu chữa người bệnh nhưng gia đình không nghe và liên tục có những lời lẽ xúc phạm, đe dọa, gây cản trở.
Thậm chí, khi nam điều dưỡng ra ngoài lấy dụng cụ y tế để phục vụ cấp cứu đã bị người nhà đạp vào bụng. Ôm bụng vì đau 3-4 giây, sau đó nam điều dưỡng phải nén đau chạy đi lấy đồ để cấp cứu cho bệnh nhân", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Về thắc mắc tại sao lại để người nhà trong buồng bệnh, bác sĩ Hưng cho hay tình huống xảy ra ở buồng bệnh bình thường, chứ không phải trong đơn vị cấp cứu biệt lập giống như các khoa hồi sức cấp cứu.
"Khi đang tiêm thì bệnh nhân sốc phản vệ, nghĩa là tình trạng rất cấp bách, cần xử lý nhanh trong 5 phút đầu tiên, nếu không nguy cơ chuyển nặng, tử vong của bệnh nhân rất cao. Vì vậy, chúng tôi xử lý tại chỗ chứ không thể đưa đến phòng cách ly", bác sĩ Hưng nói.
Theo bác sĩ Hưng, sau khoảng 3 phút cấp cứu, tim của bé trai đã đập trở lại. 5 phút sau, bệnh nhân đã tỉnh, gọi hỏi biết, huyết áp ổn định. Sau 20 phút, bệnh nhi tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường.
Người nhà sau đó giải thích do "bức xúc quá, không kiềm chế được". Y bác sĩ bị đánh cũng đau, phải chịu đau để cứu sống người bệnh chứ không thể bỏ người bệnh không cứu chữa. Mặc dù trong quy định cơ sở y tế có thể từ chối điều trị khi bị cản trở, nhưng lương tâm của người bác sĩ không cho phép mình làm như vậy", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Bác sĩ Hưng cho biết sau vụ việc, trung tâm đã yêu cầu ê kíp trực cấp cứu báo cáo cụ thể tình hình. Nam điều dưỡng viên bị người nhà bệnh nhân đấm, đạp vào bụng đã được đưa đi siêu âm, chụp chiếu, kiểm tra.
"Đơn vị đã báo cáo Công an thị trấn và Phòng An ninh chính trị nội bộ của Công an tỉnh để nắm bắt, tới xác minh, làm rõ vụ việc", bác sĩ Hưng nói.

Theo thông tin từ VTC News, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, với những vụ việc nhân viên y tế bị cản trở, hành hung, gây khó khăn trong quá trình thực hiện chuyên môn, Cục sẽ sớm có văn bản chỉ đạo rà soát quy trình, đồng thời yêu cầu ngành y tế địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật điều tra làm rõ vụ việc, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tập trung các giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tối đa các trường hợp mất an ninh trật tự, trong đó có thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ gây mất an ninh, trật tự.