Trận động đất mạnh 7,7 độ Richter tại Myanmar rung chấn sang tận Thủ đô Bangkok (Thái Lan), nhiều người Việt đang có mặt tại đây đã kể lại giây phút tháo chạy xuống đường khi đồ đạc trong nhà chao đảo.
- Động đất diện rộng ở Thái Lan: Một toà nhà đổ sập trong tích tắc khiến 43 người mắc kẹt
- Xuất hiện động đất có độ lớn 3.0 tại huyện Kon Plông, Kon Tum vào trưa nay (28/3)
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter vừa làm rung chuyển thủ đô Bangkok (Thái Lan) khiến một tòa nhà cao tầng đang xây dựng đổ sập. Nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc tại Bangkok tháo chạy, sợ hãi khi cảm nhận được sự rung lắc dữ dội.
Chị Minh Phương (ở Bangkok, Thái Lan) cho biết, hiện nhiều người đã chạy tán loạn dưới lòng đường. Chị cũng rời khỏi tòa nhà đang sống, chạy xuống đường để tránh nguy hiểm. Nhiều nơi bị thiệt hại nặng nề do trận động đất nhưng chị chưa biết thông tin thương vong. Dù không ở vị trí có tâm chấn nặng nề nhưng chị Phương vẫn rời khỏi nhà vì cảm nhận được sự rung lắc dữ dội.
"Đầu óc mình bị choáng váng, có cảm giác tòa nhà nơi mình đang sống bị rung lắc. Điều này chỉ diễn ra trong một phút nhưng khiến mình không khỏi sợ hãi, mình chạy ra ngoài đường và thấy nhiều người đang tập trung ở đây", chị Phương nói.

Chị Tuyết Dương (quê ở Đắk Lắk) mới sang Bangkok xử lý công việc cách đây không lâu cho biết khoảng 13 giờ 25 (theo giờ địa phương) chị cảm nhận tầng 3 tòa nhà nơi mình sống bị rung lắc. Chị cùng cư dân hoảng loạn chạy xuống tầng trệt, không dám ở trên cao vì sợ nguy hiểm. Lễ tân tòa nhà cảnh báo dư chấn động đất sẽ còn tiếp tục nên chị không dám ở nhà.
"Khi ở trên nhà, mình cảm nhận mọi thứ rung lắc dữ dội. Lúc đó, mình chỉ biết lao ra đường thật nhanh, không kịp cầm theo bất thứ cái gì ngoài hộ chiếu, bàn ghế trong nhà chao đảo. Lúc đầu mình nghĩ bị hoa mắt nhưng cảm nhận nguy hiểm rõ rệt nên có chút hoảng sợ. Giờ mọi người ra ngoài đường hết, không ai dám ở nhà", chị Dương chia sẻ.
15 giờ 30 khi tình hình đã ổn định hơn, chị quyết định về nhà và cầm theo một vài đồ đạc quan trọng và ngay lập tức rời khỏi nhà. Chị đang di chuyển đến khu vực tập trung ít nhà cao tầng. Đây là lần đầu tiên chị cảm nhận động đất diễn ra nên không khỏi lo lắng.

Nguyễn Trang (32 tuổi, quê ở TP.Đà Lạt) sang Thái Lan làm việc đã 3 năm, hiện sống ở Q.Bang Kapi (Bangkok) cho biết khu vực đang sống cách trung tâm của trận động đất ở Q.Chatuchak khoảng 12 km.
Khoảng 13 giờ 28 phút (giờ địa phương), Trang đang ở trong nhà ăn cơm thì mọi thứ rung lắc, từ tường đến bàn ghế, tủ, đồ vật trên kệ.
"Khi đó tôi đang ở tầng trệt, có cảm giác choáng váng. Sau đó, mọi người trong nhà chạy từ tầng 2, tầng 3 xuống đất và cho biết các cánh cửa sổ va đập mạnh. Lần đầu tiên chúng tôi rơi vào tình cảnh này, không được thông báo trước nên chỉ có thể đoán là có động đất. Vì thế, mọi người cùng nhau chạy ùa ra ngoài".
Trang kể thêm đợt rung lắc đó xảy ra trong khoảng 10 phút. Không chỉ các thành viên trong nhà, hàng xóm ai ai cũng chạy ra đường và ai cũng thấy choáng váng. Hiện tại, mọi người đã vào nhà và liên tục theo dõi tình hình động đất qua mạng xã hội.

Theo thông tin từ VNExpress, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện các Khoa học Trái Đất, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết động đất xảy ra ở Myanmar lúc 13h 20 phút 20 giây, ngày 28/3, độ sâu chấn tiêu 10 km.
Cục khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận độ lớn của tâm chấn động đất là 7,7 độ. Theo ông Xuân Anh, trận động đất này rất lớn, nên vùng ảnh hưởng có thể kéo dài hàng nghìn km. Ảnh hưởng phụ thuộc vào cường độ, độ lớn, khoảng cách đối với trận động đất và nền đất ở nơi đó. Tuy nhiên hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận "cấp độ rủi ro thiên tai bằng không, tức là ít có khả năng gây thiệt hại đối với Việt Nam", TS Xuân Anh cho biết. Với Hà Nội hay TP HCM thông thường ở những trận động đất ở xa sẽ tác động đến các công trình nhà cao tầng, cảm nhận được rung lắc.
Ông cho biết, trận động đất này không bất thường, bởi trong lịch sử ở Myanmar đã có những trận động đất rất mạnh. Chính vì vậy, "sau một thời gian tích lũy năng lượng đủ lớn nó sẽ giải phóng thành những trận động đất như vậy và ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh", TS Xuân Anh nói. Thông thường nhưng trận động đất lớn sẽ có những trận dư chấn. Tuy nhiên, trận động đất ở xa, nên ảnh hưởng của Việt Nam là rất nhỏ.