Tại Việt Nam, nhiều người dân sinh sống ở một số khu vực của Hà Nội, TPHCM cũng cảm nhận rõ sự rung lắc khi ở trên các tòa nhà cao tầng khi xảy ra động đất. Một số đồ đạc bị rơi, vỡ.
- Giới chức Myanmar: Hiện đã có 1700 người thiệt mạng, 3400 người bị thương sau trận động đất mạnh 7,7 độ
- Thái Lan: Hầu hết nạn nhân trong vụ sập tòa nhà 33 tầng ở thủ đô Bangkok không còn sống
Theo thông tin từ VnExpress: Chiều 31/3, trong căn hộ 54 m2 ở phường 10, quận 6, Phương hì hụi chuẩn bị thùng xốp, hộp carton trong khi chồng gấp quần áo để dọn đồ đến phòng trọ nằm trong hẻm cách đó một km. Ba ngày qua, họ không về chung cư mà trú tạm trong gia đình chồng ở Long An.
"Chúng tôi không muốn sống trong phập phồng, bất an", Thảo Phương chia sẻ trên VnExpress.
Trưa 28/3, Phương đang ở nhà cùng con gái 5 tháng tuổi thì cảm nhận rung lắc kéo dài khoảng hai phút. Chị cảm thấy người chao đảo, đồ đạc xê dịch kèm tiếng hét "Động đất!" của cư dân trong tòa nhà.
Phương ôm con chạy trước, người vú nuôi chạy phía sau ra thang bộ của tòa nhà. Xuống đến sân, cô thấy hàng trăm người cũng vừa thoát, vừa hoang mang giống mình.
Cùng ngày, ban quản lý gửi thông báo trấn an, cho biết đã kiểm tra an toàn nhưng vài căn đã xuất hiện vết nứt, gãy ở tường. Căn hộ của Phương có biểu hiện bất thường nhưng cô không dám trở lên mà về thẳng nhà nội.
"Trước giờ, tôi ở chung cư chỉ quan tâm vấn đề cháy nổ, chưa từng nghĩ đến động đất", Phương chia sẻ trên VnExpress. "Sau hôm nay nỗi sợ càng tăng thêm, đặc biệt khi có con nhỏ".

Vợ chồng chị thuê căn hộ ở tầng 31 trong tòa nhà 35 tầng được gần nửa năm, giá 11 triệu đồng mỗi tháng. Dù hợp đồng còn lại đến cuối năm nhưng sau sự cố rung lắc do ảnh hưởng động đất ở Myanmar, vợ chồng Phương bị tác động tâm lý, thấp thỏm lo sợ. Gia đình nội ngoại cũng liên tục gọi điện hỏi thăm, hối thúc họ tìm nơi khác, tránh xa những tòa nhà cao tầng.
Ba ngày qua, họ gửi con và đi tìm chỗ trọ mới trong khu vực quận 6 với điều kiện nhà trệt, không có lầu cao. Trưa 31/3, họ về lại chung cư để thu dọn quần áo, chấp nhận bỏ tiền cọc.

Chung cư ở Hà Nội và TPHCM chịu được động đất bao nhiêu độ?
Theo thông tin từ báo Dân trí: Về khả năng chịu động đất của các tòa nhà cao tầng tại Việt Nam, vị nguyên Trưởng phòng Giám định 1, cho rằng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiêu chuẩn thiết kế, vị trí địa lý, chất lượng thi công và nền đất.
Theo các quy chuẩn xây dựng hiện hành, tòa nhà cao tầng ở Việt Nam thường được thiết kế theo TCVN 9386:2012, với yêu cầu công trình chịu được động đất cường độ khoảng 5,5-6,5 độ.
Theo ông Thịnh, Việt Nam có các khu vực có nguy cơ động đất khác nhau. Các vùng như Hà Nội, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam có thể xảy ra động đất 5,5-6,5 độ. Còn TPHCM, Đà Nẵng nằm ở vùng có nguy cơ thấp hơn, thường chỉ thiết kế chịu động đất khoảng 5-6 độ.
Những công trình quan trọng hoặc cao cấp có thể được thiết kế để chịu được động đất mạnh hơn, khoảng 7 độ hoặc hơn bằng các biện pháp như móng sâu, khung chống rung, giảm chấn động đất. Tuy nhiên, nếu động đất vượt quá 7 độ, ngay cả những tòa nhà tốt nhất cũng có thể bị hư hại, đặc biệt nếu xảy ra kéo dài hoặc có rung chấn mạnh.
"Đa số nhà cao tầng tại Việt Nam được thiết kế để chịu động đất khoảng 5,5-6,5 độ nhưng một số công trình quan trọng có thể chịu được hơn 7 độ nếu được thiết kế đặc biệt", ông Thịnh chia sẻ trên báo Dân trí.
Chất lượng nhà ở tại Việt Nam hiện nay có mức độ chống chịu động đất rất khác nhau, tùy thuộc vào loại công trình, khu vực địa lý và tiêu chuẩn xây dựng.
"Đa số nhà ở tại Việt Nam chưa đạt chuẩn cao về khả năng chống chịu động đất. Trong đó, nhà ở tự xây, nhà cấp 4 rất dễ bị hư hỏng hoặc sập. Các chung cư, cao ốc mới có mức chống chịu khá hơn nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn cao như Nhật Bản hay Mỹ", ông chia sẻ trên báo Dân trí.
Để một công trình đảm bảo an toàn, ông Tống Văn Nga cho rằng tiêu chuẩn sẽ là sự tổng hòa của các khâu thiết kế, thi công lựa chọn vật liệu, giám sát công trình.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, cho biết khi động đất xảy ra sẽ lan truyền sóng động đất và tác động lên bề mặt, càng ra xa, sóng càng yếu.
Việc người dân cảm nhận được động đất, rung chấn hay không phụ thuộc vào ba yếu tố chính: Một là khoảng cách, ở càng gần tâm chấn thì càng cảm nhận rõ; hai là nền đất, nền đất khác nhau sẽ rung lắc khác nhau; yếu tố thứ ba là công trình (độ cao, chất lượng công trình…).