Cũng giống như Việt Nam, Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của nhiều nước châu Á. Và trong ngày đầu năm mới, mỗi nước lại có những nét văn hóa độc đáo của riêng mình.
Trung Quốc
Ngày mùng 1 Tết được xem là ngày để thờ cúng và mời tổ tiên cùng các vị thần thánh về ăn Tết. Người Hoa kiêng ăn thịt vì họ cho rằng điều này giúp họ sống trường thọ và luôn hạnh phúc.
Vào sáng mùng 1 Tết, toàn bộ gia đình tập trung đông đủ đón năm mới, người cao tuổi nhất trong nhà sẽ phát phong bao lì xì mừng tuổi cho con cháu và khách là nam thanh nữ tú hay trẻ em tới chúc tết gia đình.
Người Trung Quốc còn có phong tục mang theo một túi cam quýt có bỏ kèm những phong lì xì mừng tuổi khi đến chơi nhà bạn bè, người thân trong hai tuần đầu năm mới.
Ngoài màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang, sung túc, rất thịnh tại các nước phương Đông, phong tục biếu cam quýt này còn phát triển nhờ thú chơi chữ của người Trung Quốc xưa.
Trong tiếng Hán, chữ "cam" phát âm gần giống như "giàu có", còn chữ "quýt" thì lại giống như "may mắn". Đặc biết, đối với những đôi vợ chồng trẻ mới cưới, hai loại trái cây này còn được coi như lời chúc sinh con đàn cháu đống.
Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, năm mới chính thức bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch. Nhưng từ những ngày cuối năm âm, không khí Tết đã tràn ngập khắp các ngả đường và trong mỗi gia đình. Ngày 30 Tết, các gia đình Hàn Quốc cũng dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Sáng mùng 1 Tết, người Hàn có phong tục tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mặc quần áo cổ truyền, uống gui balli sool, một loại rượu bổ làm cho thính giác tinh nhạy, sau đó tiến hành nghi lễ cúng Tổ tiên gọi là Chesa do trưởng nam trong gia đình đứng ra làm lễ.
Đồ cúng cùng với rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà. Trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết trên giấy sớ sẽ đốt đi sau khi cúng. Chủ gia đình thắp hương, khấn mời Tổ tiên, cả nhà cùng bái lạy làm lễ.
Sau lễ Chesa là lễ Seba, con cháu bái lạy ông bà, cha mẹ với ý nghĩa chúc mừng năm mới và chúc may mắn. Ông bà, cha mẹ sẽ thưởng tiền hoặc vàng, ngọc hay một món quà quý nào đó tuỳ thuộc vào tuổi, vị trí của người con cháu trong gia đình cũng như điều kiện, hoàn cảnh của gia đình đó.
Sau đó, cả nhà cùng quây quần thụ lộc những đồ ăn vừa cúng Tổ tiên. Tiếp đến, đi chúc tết hàng xóm, người thân, đi thăm mộ Tổ tiên và du xuân đến những nơi danh lam, thắng cảnh, hoặc tới chùa.
Triều Tiên
Tết ở Triều Tiên thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày, nhưng việc chuẩn bị tết thường được tiến hành từ một tháng trước đó. Mặc dù việc thiếu năng lượng và các vấn đề an ninh khiến việc đi lại ở khoảng cách xa gặp nhiều khó khăn và nhiều người không thể về quê ăn Tết, các gia đình ở Triều Tiên vẫn cố gắng đoàn tụ hết mức có thể.
Vào sáng ngày mùng 1 Tết, đàn ông Triều Tiên phải đi tới các nhà hàng xóm để chúc mừng nhau, trong khi phụ nữ không được phép tham gia vào tục lệ này, vì người dân Triều Tiên vẫn tin rằng gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo trong cả năm nếu người xông đất nhà họ là phụ nữ.
Trong khi cánh đàn ông đi chúc tụng nhau, phụ nữ Triều Tiên thường giết thời gian bằng cách chơi một loại cờ dân gian có tên gọi là Yut Nori và cùng nhau chia sẻ đồ ăn, ca hát và nhảy múa.
Ngày Tết Nguyên đán ở Triều Tiên không thể thiếu 2 phong tục: "đuổi quỉ' và "đốt tóc". Để "đuổi quỉ", họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mồng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỉ, nghênh đón điều tốt lành.
Tục "đốt tóc" thường được làm vào buổi chiều mùng 1, người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh.
Mông Cổ
Mông Cổ là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Trước tiên, họ pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.
Vào ngày mùng 1, người trẻ trong nhà có nhiệm vụ kính rượu các bậc trưởng bối. Khi đó, người mời rượu phải quỳ để tỏ lòng thành kính.
Đàn ông sẽ quỳ hai gối, cúi đầu xuống thấp, cung kính đưa hai tay về phía trước. Con gái chưa gả chồng cũng hành lễ như vậy. Phụ nữ đã xuất giá chỉ cần quỳ một gối, tay phải đưa lên để mời rượu. Tân nương mới lấy chồng trong lúc kính rượu lại cần ca hát.
Khi nhận rượu mời, các bậc trưởng bối trong gia đình cầu phúc và tuổi thọ cho con cháu. Mời rượu khi đi chúc Tết cũng phức tạp không kém. Tới nhà người khác, việc đầu tiên phải làm là cúi đầu trước Phật đường, sau đó hành lễ với bậc trưởng bối trong nhà.
Trong lúc chủ nhà kính rượu, bản thân không được phép ngồi, cũng phải uống hết rượu trong cốc để đáp lễ. Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ thường chúc nhau: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt", ý chỉ sự sung túc, giàu có.
Singapore
Khoảng 80% dân số của Singapore là người Hoa nên nước này rất coi trọng Tết Âm lịch. Việc chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại này bắt đầu trước đó một vài tuần
Trong những ngày Tết, khắp nơi trên đất nước Singapore đều rộn ràng lễ hội. Họ cũng không quên trở về bên mâm cơm gia đình, tặng cho người thân những "hong bao" (bao lì xì) may mắn cùng những lời chúc tốt đẹp.
Ngày Tết Nguyên Đán trên quốc đảo Singapore còn rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác hấp dẫn du khách. Đón một năm mới, trong một không khí quen mà lạ trên đất nước Singapore sẽ là trải nghiệm khó quên dành tặng bạn và gia đình.