Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam vừa phát đi cảnh báo, một trận động đất có độ lớn 2.5 vừa xảy ra tại khu vực huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
- 'Không có phép màu' trong vụ xe khách bị sạt lở cuốn trôi ở Cao Bằng: Tìm thấy thi thể 9 nạn nhân nằm rải rác dọc bờ suối
- Thiệt hại nặng nề do do bão, lũ lụt, sạt lở đất: 146 người chết và mất tích, gần 800 người bị thương
Theo thông tin từ VOV, vào ngày 10/9, trận động đất xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.895 độ vĩ Bắc, 105.831 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Đây là trận động đất được đánh giá thuộc cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho biết, vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, theo thông tin từ báo Tin tức thông tấn xã Việt Nam, trận động đất gần nhất xảy ra vào khoảng 12 giờ 42 phút 42 giây (giờ Hà Nội) ngày 10/9. Động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.895 độ vĩ Bắc, 108.193 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoản 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông.
Trận động đất còn lại xảy ra vào lúc 8 giờ 58 phút 38 giây. Trận động đất này có độ lớn 3.7 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.816 độ vĩ Bắc, 108.268 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.3 km.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, hiện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang theo dõi sát diễn biến các trận động đất này; đồng thời kịp thời chuyển các bản tin đến chính quyền và người dân các địa phương biết, chủ động biện pháp ứng phó.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi xảy ra động đất, người dân nên bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống gầm bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc. Nếu ở ngoài trời thì người dân cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống. Nếu đang lái xe, người dân cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay có trên địa bàn huyện Kon Plông liên tiếp xảy ra hơn 280 trận động đất. Trận động đất mạnh nhất được ghi nhận có độ lớn 5.0 độ gây rung lắc nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Theo nhận định của cơ quan chức năng, những trận động đất xảy ra ở Kon Tum là động đất kích thích, gây ra bởi hồ chứa thủy điện.