Hà Nội xuất hiện 1 ổ dịch dại, 3 người đã bị chó dại cắn ở Sóc Sơn

Đời sống 31/07/2024 19:54

Tại ổ dịch dại trên đã ghi nhận 3 trường hợp người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh kháng dại theo quy định.

Theo báo Tiền Phong đưa tin, ngày 31/7, Sở Y tế Hà Nội cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đang tiến hành giám sát, xử lý ổ dịch dại tại xã Hiền Ninh và Minh Phú (huyện Sóc Sơn).

Trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) và thôn Ninh Môn (xã Hiền Ninh) đã ghi nhận ổ dịch dại trên chó.

Theo đó, động vật mắc dại là một con chó chưa rõ nguồn gốc, giống chó ta nặng khoảng 15kg. Từ khoảng 9h30 đến 11h ngày 25/7, con chó xuất hiện tại thôn Lâm Trường. Tại đây, con chó dại đã cắn, tiếp xúc với 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn 1 người.

Từ khoảng 11h đến 12h cùng ngày, con chó dại di chuyển sang khu du lịch Việt Phủ Thành Chương (thôn Ninh Môn) và cắn 2 người, gồm 1 khách thăm quan và 1 bảo vệ. Nhân viên tại Việt phủ Thành Chương đã đánh chết con chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh. Nhân viên thú y xã Hiền Ninh đã gửi mẫu đến Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dại.

Hà Nội xuất hiện 1 ổ dịch dại, 3 người đã bị chó dại cắn ở Sóc Sơn - Ảnh 1
Chó dại cắn 3 người ở Sóc Sơn. Ảnh: VTC News. 

Như vậy, tại ổ dịch dại trên đã ghi nhận 3 trường hợp người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc xin và huyết thanh kháng dại theo quy định.

Theo VTC News đưa tin, UBND huyện Sóc Sơn đã họp để xác minh nguồn gốc con chó dại, yêu cầu người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo phải xích nhốt, không được thả rông, bố trí đội tuần tra, tiêu diệt chó thả rông.

Theo báo cáo, xã Hiền Ninh hiện có 4.020 con chó, mèo, 92,54% đã tiêm phòng vaccine dại, tại xã Minh Phú, tỷ lệ này là 93,96%.

Bệnh dại là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào hoặc liếm của động vật mắc bệnh. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.

Để phòng tránh bệnh dại, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

Tiêm phòng cho vật nuôi: Đảm bảo chó, mèo và các vật nuôi khác được tiêm phòng vaccine dại đầy đủ và đúng lịch.

Kiểm soát vật nuôi: Xích nhốt chó, mèo, không thả rông và tránh tiếp xúc với động vật hoang dã.

Giám sát và báo cáo: Nếu phát hiện động vật có dấu hiệu mắc dại hoặc bị nghi ngờ mắc dại, báo ngay cho cơ quan thú y địa phương để được xử lý kịp thời.

Phản ứng kịp thời: Nếu bị chó, mèo cắn, cào, cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sau đó đi tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại tại cơ sở y tế.

Chó dại nặng gần 10kg cắn 2 vợ chồng ở Đồng Nai: Người vợ đã tử vong

Trường hợp tử vong là bà N.T.S., 69 tuổi, ngụ ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán.

TIN MỚI NHẤT