Theo Cục quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, từ đêm ngày 8/6 đến sáng ngày 9/6, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Vàng Danh (TP Uông Bí), Dương Huy (TP Cẩm Phả), Bến Châu (TX Đông Triều), Quảng Lâm (huyện Đầm Hà)… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, sụt lún.
- Xe khách trơn trượt quay ngang khiến xe máy bị văng vào vệ đường: 1 người tử vong, 1 người nhập viện cấp cứu
- Thương tâm: Hai anh em ruột đuối nước tử vong dưới ao của gia đình
Theo thông tin từ VietNamNet, từ rạng sáng ngày 9/6, tại Quảng Ninh có cơn mưa lớn kéo dài đến tận trưa khiến nhiều địa phương như TP Hạ Long, TP Uông Bí, huyện Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ bị ngập diện rộng. TP Uông Bí là địa phương chịu thiệt hại nhất khi có nơi nước ngập ngang thân người.
Tại khu 2, phường Thanh Sơn (TP Uông Bí), nơi được coi là có địa hình thấp nhất, hiện vẫn trong tình trạng ngập sâu. Hầu như mọi nhà dân tại đây đều bị nước tràn vào. Do mưa lớn trong đêm nên người dân không kịp kê cao đồ đạc dẫn đến bị hỏng, thiệt hại. Người dân nơi đây cho biết, đây là trận mưa lớn nhất từng thấy, mức độ ngập sâu hơn mọi lần rất nhiều.
Ông Phạm Văn Sự, Chủ tịch UBND phường Thanh Sơn cho biết, theo thống kê nhanh, hiện có khoảng vài trăm hộ dân bị ảnh hưởng do cơn mưa kéo dài. Cũng theo ông Sự, lực lượng chức năng đã có mặt để hỗ trợ người dân tại các khu vực nguy hiểm, ngập sâu. Đồng thời hỗ trợ di chuyển đồ đạc nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Còn tại phường Quang Trung (TP Uông Bí), do địa hình cao hơn nên nước đã rút. Tuy nhiên, rất nhiều hộ dân bị nước tràn vào nhà, ngập sâu, đều bị hư hỏng đồ đạc. Sau khi nước rút, người dân lại tất bật thu dọn bùn đất trong nhà và ngoài đường.
Theo thống kê, lượng mưa đo được trên địa bàn TP Uông Bí là 177,2mm, dẫn tới xảy ra ngập lụt tại nhiều điểm. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, lãnh đạo thành phố đã trực tiếp có mặt tại các điểm có nguy cơ cao về mất an toàn để chỉ đạo khắc phục. Các địa phương cũng đã cắt cử lực lượng hỗ trợ sơ tán đồ đạc, vật dụng và người đến nơi an toàn; bố trí người canh gác các điểm nước cuốn, điểm sạt trượt, đập tràn...; chủ động phá 1 số cống, dải phân cách để tiêu thoát nước.
Đặc biệt tại các tuyến phố trung tâm như Lê Hồng Phong, Cầu Đất, Tô Hiệu, Trung Lực… nước ngập tràn vào nhà gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, mưa lớn dồn dập với lượng mưa đo được tại thời điểm 3h ngày 9/6 lên tới hơn 200mm, kết hợp triều cường 3,8m đã gây ngập lụt nghiêm trọng.
Khoảng 11h trưa 9/6, triều cường đạt đỉnh cùng với lũ về khiến mực nước tại các sông lên cao đến 4,2m. Đây là đợt ngập lụt nghiêm trọng nhất từ đầu mùa mưa bão năm nay.
Phía Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng đã huy động toàn bộ công nhân viên của các cống ứng trực 100% để điều tiết mực nước tại các cánh cống; hạ thấp mực nước trong các mương hồ điều hòa xuống mức thấp nhất có thể; vớt rác tại các cửa thu, miệng ga hàm ếch để nước rút nhanh; mở ga thoát nước tại các vị trí xung yếu để tăng cường khả năng tiêu thoát nước.
Đồng thời công ty tổ chức kiểm tra, chốt trực tại các điểm nóng ngập lụt như: An Đà, Đình Đông, Bốt Tròn, Tô Hiệu, Lê Lợi, Cầu Đất, đường 5, chân cầu Bính…
Tại khu vực ngoại thành, tình trạng ngập lụt diễn ra ở nhiều địa bàn. Không ít cánh đồng lụt trắng băng do nước sông dâng cao, hệ thống kênh mương thủy lợi không kịp tiêu thoát nước.