Sáng 9/6, tin từ UBND xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa xác nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc đuối nước khiến 2 trẻ nhỏ tử vong.
- Kì thi vào lớp 10 tại TP.HCM: Ngày 20/6 công bố kết quả thi, ngày 10/7 công bố điểm chuẩn trúng tuyển
- Xác minh việc xuất hiện hổ tại rừng Đìu Đo ở Quảng Bình
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, sáng 9/6, tin từ UBND xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa xác nhận trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ việc đuối nước khiến 2 trẻ nhỏ tử vong.
Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 8-6, tại thôn Đồng Quạ, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh.
Vào khoảng thời gian trên hai cháu nhỏ là anh em ruột gồm: B.V.T. (SN 2016) và B.V.D. (SN 2018; ngụ thôn Đồng Quạ, xã Xuân Phúc) chơi với nhau trong khuôn viên nhà không may rơi xuống ao, khi được người lớn phát hiện thì 2 cháu đã tử vong.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng huyện Như Thanh cũng đã tới gia đình các nạn nhân phối hợp làm rõ nguyên nhân, đồng thời chia sẻ động viên cùng gia đình.
Theo thông tin từ báo Dân trí, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, tỷ lệ trẻ em đuối nước ở nước ta đã giảm nhưng vẫn còn gần 2.000 trẻ đuối nước mỗi năm.
Hiện nay, các gia đình ngày càng quan tâm đến việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ riêng khi đi bơi, các vụ đuối nước có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì phút xao nhãng trong tích tắc của người lớn.
Huấn luyện viên dạy bơi Nguyễn Duy Tuấn (ở Hà Nội) chia sẻ, trẻ em thường hiếu động, thích khám phá, vui đùa với nước. Nước là môi trường thân thuộc, là nguồn sống của con người nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.
Trẻ em có thể tử vong ngay cả khi gặp nạn ở mực nước thấp như khi ngã vào xô nước, chậu nước, bồn tắm, bể cá nhỏ, hồ cá gia đình…
Để đảm bảo an toàn cho trẻ trước môi trường nước, điều quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý của người lớn với trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 5-6 tuổi. Người lớn tuyệt đối không rời mắt khỏi trẻ em ở những nơi gần sông nước, không giao trẻ cho một trẻ lớn hơn trông chừng.
Các bậc phụ huynh cần căn dặn trẻ không được chơi một mình ở nhà tắm, nơi gần ao, hồ, sông, suối, cần khóa cửa phòng tắm nếu có trẻ nhỏ, không chứa nước trong xô, chậu hay bồn tắm.
Dù trẻ còn nhỏ nhưng các gia đình cũng nên cho con biết những nguy cơ con có thể gặp phải với môi trường nước, có thể dạy cho con thông qua các tình huống minh họa.
Khi cho trẻ đi bơi, hãy chỉ định một người lớn theo dõi trẻ và luôn để trẻ trong tầm quan sát để có thể tiếp cận trẻ ngay dưới nước, trang bị áo phao với những trẻ chưa biết bơi… Khi di chuyển bằng các phương tiện trên mặt nước, tham quan vùng sông nước, mỗi người đều phải mặc áo phao.
Với những trẻ nhỏ từ 5-6 tuổi trở lên, các gia đình có thể cho con đi học bơi, học kỹ năng ứng phó với các tình huống bất trắc dưới nước.