Người đàn ông ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang khi đi xe máy đã va vào máy bay không người lái đang phun thuốc, sau đó tử vong, ai sẽ chịu trách nhiệm?
- Vụ máy bay quân sự rơi ở Bình Định: 2 phi công đã bình an trở về
- Vụ máy bay quân sự Yak-130 rơi ở Bình Định: Khẩn trương tìm kiếm 2 phi công mất tích
Như trước đó báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, ngày 26/11, nguồn tin của PLO cho hay cơ quan chức năng huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn hy hữu xảy ra trên địa bàn xã Mỹ Hiệp Sơn.
Thông tin ban đầu, chiều 20-11, ông BVT (49 tuổi) điều khiển xe máy lưu thông trên đường thì bất ngờ xảy ra va chạm với máy bay phun thuốc không người lái (drone phun thuốc) do anh MVL (29 tuổi) điều khiển.
Hậu quả, ông T phải nhập viện với nhiều vết thương ở phần cổ, đầu. Dù được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh An Giang cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, đến ngày hôm sau, ông T đã tử vong.
Trả lời trên báo Dân Trí, Luật sư Trần Hoàng Linh (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo quy định của pháp luật, drone phun thuốc có thể được xếp vào nhóm tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ. Việc sử dụng các loại phương tiện này cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ.
Cụ thể, Điều 13 Nghị định này quy định tổ chức, cá nhân khi thực hiện hoạt động bay cần phải đáp ứng các điều kiện như phải làm thủ tục xin phép trước khi tổ chức các hoạt động bay; dự báo, thông báo trước ngày bay theo quy định; nắm vững các quy định, nội dung của việc tổ chức, thực hiện hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam và phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra mất an toàn hàng không, gây thiệt hại cho người, tài sản dưới mặt đất.
Còn theo Điều 14 Nghị định này, các hành vi bị nghiêm cấm được liệt kê bao gồm tổ chức bay khi chưa được cấp phép; bay không đúng khu vực hay mang chở các chất phóng xạ, chất cháy nổ trên tàu bay...
Như vậy, có thể thấy việc sử dụng drone ở nước ta không hoàn toàn bị nghiêm cấm, nhưng cần đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về điều kiện được cấp phép bay. Trong trường hợp sử dụng drone hoặc các loại máy bay không người lái khác không đúng quy định, gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì người sử dụng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đối với tình huống trên, luật sư đánh giá trước tiên cần làm rõ việc người sử dụng drone đã được cấp phép và đáp ứng đầy đủ các quy định về thông báo, cũng như đảm bảo an toàn nơi công cộng khi sử dụng phương tiện bay không người lái hay chưa.
Tiếp đó, cần xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn làm chết người là do đâu, yếu tố lỗi trong vụ việc thuộc về ai, người điều khiển drone có dấu hiệu của sự chủ quan, bất cẩn hay vi phạm các quy tắc an toàn khác về việc điều khiển phương tiện bay không người lái hay không. Từ các yếu tố trên, có thể dẫn tới 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất, nếu vụ việc hoàn toàn là sự kiện bất khả kháng, tức người lái drone đã đảm bảo đầy đủ quy định về điều khiển phương tiện và đảm bảo an toàn nhưng việc va chạm với người lái xe máy là sự kiện bất ngờ, nằm ngoài tầm kiểm soát, đã được áp dụng mọi biện pháp tối ưu nhưng không thể ngăn ngừa thiệt hại xảy ra, đây có thể coi là tình huống bất khả kháng. Khi đó, trách nhiệm của người lái drone có thể được loại trừ.
Một tình huống khác dẫn tới loại trừ trách nhiệm pháp lý là lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.
Thứ hai, nếu xác định đây là vụ việc có yếu tố lỗi hỗn hợp hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về phía người lái drone như chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác hay không đảm bảo các quy tắc an toàn để có thể được cấp phép bay, cơ quan chức năng có thể xem xét trách nhiệm người này về tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.
Dưới góc độ dân sự, người có lỗi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản, tính mạng bị xâm phạm cho người bị thiệt hại trong phạm vi lỗi do mình gây ra.