Mỡ lợn hay còn gọi là mỡ heo được người xưa xem là loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe nhưng nhiều người bỏ lỡ không ăn do lo ngại các vấn đề về tim mạch, béo phì.
- Thay vì sữa, 5 thực phẩm quen thuộc này giúp cung cấp canxi không thua kém, có loại dùng 1 được gấp đôi
- Bỏ ăn thịt có thực sự kéo dài tuổi thọ?
Người xưa có câu “1 thìa mỡ lợn bằng 5 vị thuốc bổ”. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người cho rằng mỡ lợn là thủ phạm gây ra một số bệnh tật nên đã chuyển sang sử dụng dầu thực vật trong nấu nướng. Vậy liệu ăn mỡ lợn có thực sự tốt như câu nói của người xưa hay không?
Trên thực tế, mỡ lợn và dầu thực vật đều được cấu tạo từ hỗn hợp axit béo bão hòa và axit béo không bão hòa nhưng tỷ lệ của hai loại này là khác nhau. Mỡ lợn chủ yếu bao gồm các axit béo bão hòa, trong khi dầu thực vật chủ yếu bao gồm các axit béo không bão hòa. Axit béo bão hòa có thể gây béo phì và gây ra các bệnh về tim mạch, đây là nguyên nhân chính khiến người ta “bỏ rơi” mỡ lợn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc loại bỏ hoàn toàn mỡ lợn khỏi thực đơn là việc sai lầm. Dù là dầu ăn hay mỡ lợn đều có lợi ích và tác hại riêng.
Dầu chứa nhiều axit béo, không có cholesterol, giàu vitamin E, K nên dễ hấp thụ hơn. Còn mỡ lợn giàu vitamin B, D, khoáng chất, giúp cơ thể hấp thụ thêm canxi. Cả hai đều là những chất béo tốt cho cơ thể và là nguồn cung cấp năng lượng chính, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu chế độ ăn thiếu chất béo, trẻ có nguy cơ chậm lớn, biếng ăn, còi xương, ốm vặt.
Hiện nay, mọi người chủ yếu ăn dầu, song sản phẩm này dễ bị oxy hóa. Mặt khác, dưới tác dụng của nhiệt độ cao, dầu có thể bị khét, làm thay đổi bản chất.
Bên cạnh đó, mỡ không gây béo hơn dầu. Mỗi một gram dầu và mỡ đều cung cấp 9 calo như nhau. Vì vậy, điều quan trọng là cân đối các thành phần trong bữa ăn. Không nên chỉ ăn hoàn toàn một loại chất béo nào.
Công dụng của mỡ lợn
Điều hòa ngũ tạng
Theo y học cổ truyền, mỡ lợn có thể nuôi dưỡng 5 cơ quan nội tạng, đặc biệt là lá lách và dạ dày, tăng cường chức năng tiêu hóa, khơi dậy cảm giác thèm ăn.
Vì vậy, những người tỳ vị yếu, kém ăn, cơ thể gầy gò có thể ăn mỡ lợn với lượng vừa phải.
Nuôi dưỡng, nhuận phổi
Mỡ lợn tác dụng làm ẩm phổi. Sự phát triển của da và tóc con người phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của phổi, thêm mỡ lợn vào chế độ ăn giúp dưỡng phổi, cũng gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của da và tóc.
Thải độc, nhuận tràng
Loại thực phẩm này có tác dụng loại bỏ chất độc cantharidin, chất độc trong rượu bia. Ngoài ra, mỡ lợn còn có tác dụng giảm tình trạng vàng da, nhuận tràng, tránh táo bón.
Ăn mỡ lợn thế nào cho đúng?
Mặc dù mỡ lợn có những tác dụng tích cực cho cơ thể nhưng người dùng cần biết cách sử dụng hợp lý để phát huy tối đa lợi ích của mỡ lợn
Chọn mỡ lợn chất lượng cao
Trước hết, người dùng phải kiểm soát được chất lượng nguyên liệu từ đầu nguồn. Trên thực tế, lợn hữu cơ tốt hơn lợn nuôi bằng thức ăn chăn nuôi vì sẽ không bị dư thừa kháng sinh, hormone và có lợi cho sức khỏe con người hơn.
Vì vậy khi lựa chọn mỡ lợn nên chọn mỡ từ lợn hữu cơ. Các gia đình có thể mua mỡ lợn tươi để về chiết xuất thành mỡ lợn cô đặc để dùng dần khi nấu nướng. Tránh dùng mỡ lợn đã qua chế biến nhiều lần hoặc có chứa chất phụ gia để bảo toàn chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Sử dụng mỡ lợn một cách có chừng mực
Nhiều người thích sử dụng nhiều mỡ lợn khi nấu nướng vì khiến món ăn thơm hơn. Tuy nhiên, ăn quá nhiều sẽ gây thêm gánh nặng cho cơ thể, dẫn đến tăng cholesterol và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lượng mỡ lợn tiêu thụ hàng ngày của mỗi người chỉ nên tử 15 - 20g.
Ngoài ra, dù mỡ lợn rất giàu axit béo bão hòa nhưng thành phần này cũng có thể được lấy từ các thực phẩm khác nên giảm lượng tiêu thụ trực tiếp mỡ lợn.
Chế biến và sử dụng một cách hợp lý
Nghiên cứu cho thấy vì mỡ lợn rất giàu axit béo bão hòa nên tính ổn định của mỡ lợn thích hợp để chiên, rán ngập dầu ở nhiệt độ cao mà không ảnh hưởng đến độ ngon của món ăn. Vì vậy, mỡ lợn chắc chắn là sự lựa chọn tốt nhất khi chiên đồ ăn.