Loại củ trồng phổ biến ở nước ta có rất nhiều tác dụng, ngoài làm gia vị món ăn chúng còn được biết đến là một vị thuốc tốt.
- Thiếu 3 loại vitamin này có thể khiến phụ nữ tóc bạc dù chưa già, 4 loại thực phẩm nên ăn để tóc chắc khỏe
- Hai loại cà chua chứa độc tố tuyệt đối không nên ăn, một loại dù có cắt bỏ cũng không hết rủi ro: Tuyệt đối đừng tiếc của
Lợi ích bất ngờ từ củ riềng
Theo Thanh Niên dẫn tin từ Natural Food Series, Củ riềng có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Sau đây là một số tác dụng như thế:
- Kháng viêm
Nghiên cứu cho thấy củ riềng chứa các đặc tính kháng viêm giúp nó trở thành một phương thuốc trị bệnh viêm khớp dạng thấp hiệu quả. Bên cạnh đó, củ riềng còn giúp giảm nhẹ sự khó chịu do các vết loét và viêm đau vùng bụng gây ra.
- Tăng cường tuần hoàn máu
Củ riềng có khả năng loại bỏ chất độc và cải thiện sự tuần hoàn máu. Kết quả là có thêm dưỡng chất cung cấp cho mô da. Những đặc tính chống ô xy hóa của củ riềng giúp ngăn các gốc tự do gây thương tổn cho da, qua đó duy trì độ mềm của da.
Củ riềng cũng có thể được dùng cho da đầu để thúc đẩy tăng trưởng tóc do nó có khả năng tăng cường sự tuần hoàn máu.
Với tóc mỏng, nước củ riềng kết hợp với dầu jojoba làm thành một phương thuốc hiệu quả.
- Hỗ trợ tiêu hóa
Công dụng phổ biến và lâu đời nhất của củ riềng là chữa đau bụng. Ngoài ra, nó cũng có thể được dùng để giảm ói mửa, tiêu chảy và nấc cụt.
- Cải thiện chức năng nhận thức
Một thành phần hiện hữu trong củ riềng, có tên gọi ACA, có tác dụng hỗ trợ chức năng nhận thức. Một số nghiên cứu cho thấy nó cũng có thể giúp giảm một số dạng thoái hóa não liên quan đến nhận thức.
- Đối phó trầm cảm
Trong củ riềng có một loại dưỡng chất thực vật giúp ngăn chặn hoạt động TNF-alpha, qua đó giúp đối phó bệnh trầm cảm.
- Làm lành bỏng da
Nước củ riềng có tác dụng tuyệt vời với những vết bỏng trên da. Khi được bôi lên khu vực bị ảnh hưởng, nó lập tức giảm nhẹ sự khó chịu và hỗ trợ việc làm lành.
- Ngừa ung thư
Đây có lẽ là lợi ích ấn tượng nhất của củ riềng. Một cuộc nghiên cứu ở Anh thực hiện với những người bị khối u ở phổi và vú cho thấy củ riềng có những đặc tính chống ung thư. Chất galanin trong củ riềng góp phần hình thành đặc tính trên ở củ riềng.
- Củng cố hệ miễn dịch
Nhiều nghiên cứu cho thấy chiết xuất polysaccharide từ củ riềng có tác động kích thích hệ lưới nội mô và làm tăng số lượng tế bào lá lách và tế bào rỉ viêm phúc mạc vốn đóng vai trò then chốt trong hệ miễn dịch.
- Tăng số lượng tinh binh
Củ riềng được cho là có tác dụng kích thích khả năng sinh sản ở nam giới.
Một nghiên cứu được tương tự được công bố sau đó cho thấy số lượng tinh trùng di động gia tăng gấp 3 lần khi 34 đàn ông khỏe mạnh hấp thu chiết xuất quả lựu và củ riềng.
Củ riềng và ý kiến chuyên gia
Cũng theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội chia sẻ trên Báo Người Đưa Tin, đa số mọi người chỉ biết đến riềng qua những món ăn như cá kho, chả lợn nướng riềng mẻ… mà ít ai biết loại củ này là một vị thuốc đã được sử dụng từ lâu.
Trong đông y, riềng còn được gọi là cao lương khương, có vị cay, tính ôn; có tác dụng ôn trung, tán hàn (trừ lạnh), hết đau, tiêu thực. Y học hiện đại cũng đã chứng minh, trong củ riêng có nhiều tinh dầu, chất galangol tạo nên vị cay và một số dẫn chất của flavon.Ngoài có tác dụng về tiêu hóa (khi nấu với các thực phẩm khác) thì riềng còn có tác dụng giảm đau xương khớp bằng cách ngâm với rượu. Cụ thể, có thể dùng rượu ngâm riềng để xoa bóp trong trường hợp chấn thương, đau xương khớp giúp giảm đau, chữa lành tổn thương.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (BV Đại học học Y dược TP HCM cơ sở 3) cũng cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, vitamin A, C và flavanoid… những dưỡng chất này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh cho cơ thể.Ngoài ra, riềng còn có thể làm tăng cảm giác ngon miệng, điều trị ho gà, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, mật, ruột co thắt và đau thắt ngực, giúp long đờm, giảm đau cổ họng, trị tiêu chảy, hạ cholesterol và triglyceride trong máu.
Bài thuốc từ củ riềng
Theo Sức khỏe và Đời sống, có rất nhiều bài thuốc chữa bệnh có sử dụng riềng
- Chữa đau bụng do lạnh: củ riềng 20g, nụ sim 8g, búp ổi 60g, tất cả sấy khô, tán bột. Ngày uống 3 lần sau ăn, mỗi lần 5g với nước sôi để nguội. Hoặc củ riềng 200g, quế 120g, hậu phác 80g, sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày. Dùng trong 2 - 4 ngày.
- Chữa phong thấp: riềng, vỏ quít, hạt tía tô mỗi vị 60g, sấy khô, tán nhỏ, mỗi lần dùng 4g, có thể pha với một chén nước sôi để nguội hoặc rượu, uống ngày 2 lần. Dùng trong 5 - 7 ngày.
- Chữa sốt rét: bột riềng 300g, bột quế khô, bột thảo quả mỗi thứ 100g, tất cả đem trộn với mật làm viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày dùng 15 viên trước khi lên cơn. Hoặc riềng tẩm dầu vừng sao 40g, gừng khô nướng 35g tán nhỏ, hòa mật lợn làm hoàn thành viên bằng hạt ngô, uống ngày 15 - 20 viên.
- Trị chứng đầy bụng, khó tiêu: riềng thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần. Ngày dùng 2 - 3 lần.
- Chữa đau dạ dày do hư hàn (đau có thời gian nhất định, gặp lạnh hay đói đau nhiều, đầy bụng, nôn nước trong, đại tiện lỏng, ăn uống không ngon, sợ lạnh, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm): củ riềng, hương phụ mỗi vị 8g, bách hợp, đan sâm mỗi vị 30g, ô dược 10g, đinh hương 7g, sa nhân 4g. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng trong 5 ngày.
- Chữa hắc lào: củ riềng già 100g, giã nhỏ, ngâm với 200ml rượu hoặc cồn 70 độ. Chiết ra dùng dần, khi dùng, bôi dung dịch cồn nói trên vào chỗ tổn thương, ngày bôi 2 - 3 lần.
- Chữa lang ben: củ riềng 100g, lá và củ chút chít 100g, chanh một quả, hai thứ giã nát rồi vắt nước chanh, đun nóng. Khi dùng lấy bông y tế thấm dịch thuốc bôi đều lên vùng tổn thương, ngày bôi 2 lần. Dùng trong 5 - 7 ngày.
- Chữa ho, viêm họng, tiêu hóa kém: riềng củ thái lát mỏng, đem muối chua, khi dùng có thể ngậm với vài hạt muối hoặc nhai nuốt dần.
- Chữa ăn không tiêu, buồn nôn hoặc đau bụng thổ tả: hạt riềng tán nhỏ, uống 6 - 10g.
- Chữa ngộ độc thức ăn, đau bụng, nôn mửa, có những trường hợp đau bụng dữ dội kèm theo đại tiện lỏng, cơ thể có biểu hiện mất nước, rối loại điện giải, mạch nhanh, huyết áp dưới mức bình thường: củ riềng 16g, hoàng liên 10g, biển đậu 12g, bạch truật 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, sinh khương (nướng) 10g, thảo quả 10g, quế 6g, chích thảo 10g, bán hạ chế 8g. Cho các vị vào ấm, đổ nước 3 bát, sắc còn 1,5 bát, chia làm 3 lần uống (cách 2 giờ uống 1 lần).
Những lưu ý khi ăn riềng
Theo VOH, với củ riềng, bạn chỉ nên sử dụng nó như một loại gia vị trong ẩm thực. Nếu muốn sử dụng củ riềng như một vị thuốc chữa bệnh bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp.
Ngoài ra, không nên tự ý dùng củ riềng cho phụ nữ mang thai. Vì củ riềng là một vị thuốc trong Đông y, vì thế đôi khi nó sẽ không tốt đối với thể trạng của phụ nữ đang trong giai đoạn thai kỳ. Tốt nhất, trong giai đoạn nhạy cảm này bạn vẫn nên thận trọng đối với mọi mặt, kể cả việc sử dụng thực phẩm.
Như vậy, củ riềng là loại gia vị giúp “dậy mùi” món ăn cũng là vị thuốc Đông y tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thể nhận được các lợi ích này, bạn cần sử dụng của củ riềng đúng cách, tuân thủ đúng liều lượng. Sử dụng quá nhiều hoặc lạm dụng củ riềng để điều trị bệnh sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.