Theo các chuyên gia y tế, đây là một số thực phẩm mà người bệnh suy giáp nên tránh dùng quá nhiều.
- Người bị bệnh tuyến giáp có phải kiêng các sản phẩm từ đậu nành?
- Người bị bệnh tuyến giáp có ăn được rau cải không?
Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp cho não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động bình thường.
Chứng suy giáp xuất hiện khi cơ thể bị thiếu hụt hormone tuyến giáp. Nguyên nhân thường do bệnh tự miễn, phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, suy giáp bẩm sinh, viêm tuyến giáp hoặc có thể do sử dụng quá nhiều hay quá ít iốt...
Các dấu hiệu suy giáp có thể bao gồm mệt mỏi, giảm trí nhớ, sợ lạnh, da khô, tóc khô dễ rụng, nhịp tim chậm, táo bón...
Suy giáp là tình trạng không thể chữa khỏi, tuy nhiên hầu hết tình trạng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách thay thế lượng hormone mà tuyến giáp sản xuất không đủ. Bên cạnh dùng thuốc và khám bệnh định kỳ, việc tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh cũng rất quan trọng.
Các chuyên gia khuyên rằng đây là một số thực phẩm mà người bệnh suy giáp nên tránh dùng quá nhiều.
1. Thực phẩm có đậu nành, bao gồm edamame, đậu phụ và miso
Từ lâu, người ta đã lo ngại về những tác động tiêu cực mà isoflavone trong đậu nành có thể gây ra cho tuyến giáp. Một số nhà nghiên cứu tin rằng ăn quá nhiều đậu nành có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giáp. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2019 trên tạp chí Scientific Reports cho thấy đậu nành không gây hại đối với hormone tuyến giáp.
Dù đậu nành không gây hại cho tuyến giáp, nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ đậu nành có thể cản trở khả năng hấp thu thuốc tuyến giáp. Vì lý do đó, người bệnh nên đợi 4 tiếng sau khi ăn thực phẩm làm từ đậu nành rồi mới uống thuốc tuyến giáp.
2. Các loại rau họ cải
Bệnh nhân suy giáp nên hạn chế ăn cải Brussels, bắp cải, súp lơ, cải xoăn, củ cải và cải chíp... Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ những loại rau này có thể ngăn chặn khả năng sử dụng iốt của tuyến giáp - điều cần thiết cho tuyến giáp hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo Mayo Clinic để rau cải có thể gây ra tác hại này thì người bệnh cần phải tiêu thụ một lượng rau cải khá nhiều.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc cả chứng suy giáp và thiếu iốt mà vẫn muốn ăn rau cải, thì giải pháp đó là hãy nấu chúng thật chín, mỗi ngày ăn không quá 140g.
3. Thực phẩm có chứa gluten
Ruth Frechman (chuyên gia dinh dưỡng ở khu vực Los Angeles, Mỹ), cho biết những người bị suy giáp có thể cân nhắc giảm thiểu lượng gluten ăn vào. Đây là một loại protein có trong thực phẩm chế biến từ lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại ngũ cốc khác... Gluten có thể gây kích ứng ruột non và có thể cản trở sự hấp thu thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 7 năm 2019 trên tạp chí Nội tiết & Tiểu đường cho thấy chế độ ăn không chứa gluten có thể mang lại lợi ích lâm sàng cho phụ nữ mắc bệnh tuyến giáp.
Nếu bạn vẫn muốn tiêu thụ thực phẩm chứa gluten, hãy nhớ chọn các loại bánh mì, mì ống nguyên hạt, có nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng khác. Điều này có thể giúp cải thiện một số triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp.
Ngoài ra, hãy nhớ dùng thuốc điều trị suy giáp vài giờ trước hoặc sau khi ăn thực phẩm giàu chất xơ để ngăn chúng cản trở sự hấp thu hormone tuyến giáp.
4. Thực phẩm giàu chất béo
Stephanie Lee (phó trưởng khoa nội tiết, dinh dưỡng và tiểu đường tại Trung tâm Y tế Boston), cho biết chất béo có thể làm gián đoạn khả năng hấp thu các loại thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể.
Chất béo cũng có thể cản trở khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên bạn nên cắt bỏ tất cả các thực phẩm chiên rán, giảm lượng chất béo từ bơ, sốt mayonnaise, bơ thực vật và các miếng thịt nhiều mỡ.
5. Thực phẩm có đường
Chuyên gia Frechman chia sẻ: Suy giáp có thể khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể chậm lại. Điều đó có nghĩa là bạn rất dễ tăng cân nếu không cẩn thận.
“Bạn nên tránh những thực phẩm có lượng đường dư thừa vì nó chứa nhiều calo và không có chất dinh dưỡng. Tốt nhất là bạn nên giảm lượng đường ăn vào hoặc cố gắng loại bỏ nó hoàn toàn khỏi chế độ ăn uống của mình", chuyên gia cho hay.
6. Thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản bằng muối
Chuyên gia Frechman cũng cho biết: “Thực phẩm chế biến sẵn, bảo quản bằng muối có xu hướng chứa nhiều natri, trong khi những người bị suy giáp nên tránh tiêu thụ quá nhiều natri. Nếu nạp nhiều natri, tuyến giáp sẽ hoạt động kém đi, tăng nguy cơ bị huyết áp cao".
7. Cà phê
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Thyroid, caffeine có tác dụng ngăn chặn sự hấp thu hormone tuyến giáp thay thế. Tiến sĩ Lee cho biết: "Những người đang dùng thuốc tuyến giáp mà uống cà phê thì tình trạng tuyến giáp sẽ không thể kiểm soát được. Do đó, mọi người nên đợi ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc rồi mới nên sử dụng cà phê".
8. Rượu bia
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Ấn Độ, việc tiêu thụ rượu có thể tàn phá cả mức độ hormone tuyến giáp trong cơ thể lẫn khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Tốt nhất, những người bị suy giáp nên cắt bỏ hoàn toàn rượu bia và đồ uống có cồn.