Ăn trứng vịt lộn cùng loại rau này mang lại công dụng cân bằng âm - dương, tránh lạnh bụng, đầy hơi.
- 3 loại rau là ‘thuốc hạ đường huyết’ tự nhiên: Có sẵn ở chợ Việt nhưng ít người biết tận dụng
- 4 loại rau củ quả nhiều vitamin C hơn cả cam, có sẵn ở Việt Nam: Khỏe người chắc xương, trẻ hay già đều cần bổ sung
Khi dùng trứng vịt lộn, các gia đình Việt Nam không thể quên ăn kèm với rau răm. Thói quen đó không chỉ vì mục đích khử tanh, điều vị cho món trứng mà còn mang ý nghĩa phòng bệnh. Trong Đông y, rau răm vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng ấm bụng, sát trùng, tán hàn… Trong khi đó, trứng vịt lộn tính hàn, rất tốt trong việc cải thiện khả năng sinh lý. Việc ăn rau răm kèm trứng là để cân bằng âm - dương, tránh lạnh bụng, đầy hơi.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Rau răm cũng là dược liệu quý, vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, hay được dùng làm thuốc. Rau răm có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm ngon miệng, ấm bụng, mạnh lưng gối, sáng mắt.
Rau răm còn có thể được dùng để chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, sâu quảng (bệnh loét sâu ở chân); chữa rắn cắn hay chó dại cắn. Rau răm hay được chế biến cùng với những món ăn mang tính hàn hoặc khó tiêu.
Lương y Sáng chia sẻ, không chỉ lá rau răm mà các bộ phận khác của cây rau răm đều có công dụng tốt cho sức khỏe. Hạt rau răm sắc uống cùng hương nhu chữa thổ tả (nôn và đi ngoài nhiều). Rễ rau răm hòa cùng rượu sắc uống làm hạ những cơn đau tim, khi vắt lấy nước cốt, hòa rượu bôi, bã đắp ngoài chữa hắc lào, lang ben, chốc lở, rắn cắn.
Một số cách sử dụng rau răm để chữa bệnh:
- Trị say nắng: Rau răm tươi giã, vắt lấy nước cốt uống chữa say nắng, khô khát.
- Điều trị hắc lào, lang ben, chốc lở: Dùng 1 lượng đủ dùng rau răm, mang đi giã vắt lấy nước cốt rồi hòa với lượng rượu vừa đủ để bôi, dùng bã đắp ngoài.
- Trị bầm tím, sưng tấy: Rửa sạch một nắm rau răm. Mang đi xay nhuyễn cùng với long não, sau đó thoa hỗn hợp lên vết thương và cố định vết thương bằng băng sạch.
- Trị nôn nhiều, đại tiện ra nước: 20g hạt rau răm, 40g hương nhu, mang tất cả đi sắc uống.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Chuẩn bị một nắm rau răm, sau khi rửa sạch thì mang đi xay cùng một lượng nước. Lọc lấy nước để uống, phần bã còn lại dùng để xoa quanh rốn. Bài thuốc này có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, trị táo bón tốt.
- Điều trị bệnh cảm cúm: Lấy 1 nắm rau răm mang đi rửa sạch, rồi giã cùng 3 lát gừng, vắt lấy nước uống sẽ có công dụng trị cảm cúm.
- Hỗ trợ điều trị sỏi thận: Buổi sáng ngủ dậy uống nhiều nước lọc. Bữa trưa và chiều nấu một bát canh rau răm ăn cùng với cơm (rau răm chỉ cần một bó nhỏ bằng ngón tay, thái nhỏ nấu với tôm hoặc thịt), ăn đều hàng ngày, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sinh lý khi ăn rau răm như vậy.
Trong thời gian trị liệu không uống rượu, bia, cà phê, trà mạn. Chỉ định thích hợp với sỏi nhỏ và vừa (kích thước dưới 2mm) vì nếu sỏi quá to rất khó đào thải qua đường tiểu tiện.
Ăn rau răm sai cách coi chừng ôm họa
Rau răm tuy không độc nhưng cũng có thể gây họa cho người ăn nếu ăn quá nhiều và thường xuyên. Cả đàn ông lẫn phụ nữ nếu như ăn rau răm nhiều có thể gặp tình trạng giảm ham muốn, đàn ông kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi, phụ nữ có thể mất chu kỳ kinh nguyệt.
Đặc biệt người có thai không nên ăn nhiều rau răm, vì có thể gây sảy thai.
Những người máu nóng, ốm gầy và phụ nữ khi hành kinh không nên ăn rau răm vì dễ bị rong huyết.
Chỉ nên sử dụng rau răm với lượng vừa phải, chỉ ăn rau răm đã được rửa sạch sẽ. Mọi trường hợp sử dụng rau răm làm thuốc đều cần thực hiện dưới sự tư vấn của chuyên gia.