Mặc dù chỉ là một tình huống tạo hài hước nhưng phản ứng của bé gái được đa số người xem đồng tình.
Thời gian gần đây, với những ai thường xuyên theo dõi mạng xã hội chắc chắn có nghe tới câu nói: “Cô là ai? Cháu không biết cô. Cô đi ra đi”. Câu nói này bắt nguồn từ một đoạn clip dài 9 giây được chia sẻ trước đó. Nhân vật chính là một bé gái đang đạp xe đi học về thì bỗng có một giọng nữ đùa rằng "Đua không, đua xe với cô không?".
Đáp lại lời đùa này, cô bạn nhỏ trong clip bình tĩnh đáp lại "Cô là ai?", sau đó gằn giọng thật mạnh với ánh mắt vô cùng hoảng hốt rồi quát lên "Cháu không biết, cô đi ra đi!". Cách phản ứng không ai ngờ tới của cô bé này đã khiến nhiều người nghe thích thú. Ngay lập tức câu hỏi này trở thành một trào lưu trên mạng.
Thế nhưng sau khi xem đoạn clip, người ta không chỉ thấy được cách phản ứng đáng yêu của cô bé mà nhiều người còn phải thừa nhận sự nhanh trí của em khi có người lạ mặt tiếp cận mình.
Thông qua tình huống này, bố mẹ không nên xem nhẹ việc dạy con đối phó với người lạ bởi lẽ một người xa lạ có thể là người tốt, nhưng cũng có thể là người xấu, có thể mang đến cho trẻ những hiểm nguy không thể lường trước được.
Vì thế để cho con trẻ có thể sống an toàn trong môi trường của chúng, việc dạy cho con cách ứng phó với người lạ, lịch sự, an toàn là điều quan trọng mà các bậc cha mẹ chúng ta phải quan tâm đầu tiên.
1. Giúp con hiểu hơn về khái niệm “người lạ”
Để giúp trẻ đối phó được với những người lạ mặt, trước hết bố mẹ cần giúp trẻ hiệu được khái niệm “người lạ”. Hãy giải thích với con rằng người lạ chính là người mà con không biết và chưa từng gặp trước đây. Tuy nhiên bố mẹ cần giúp trẻ phân biệt được đâu là người lạ xấu và đâu là người lạ tốt.
Trẻ cần hiểu rằng một người lạ mặt tốt bụng sẽ chẳng bao giờ yêu cầu sự giúp đỡ của một đứa trẻ. Nếu người ta có việc cần tìm người giúp đỡ, người ta sẽ hỏi những người lớn tuổi. Bất cứ người lạ nào nói với bé những câu như: “Có một bà cụ bị gãy tay, con đến phụ cô giúp bà lão đó nha” hay “Con chó của chú đang bị lạc, con cùng đi tìm giúp chú nhé”...đều là đối tượng đáng nghi ngờ.
2. Hãy để trẻ biết nơi an toàn và người an toàn
Trẻ cần hiểu rõ những người lớn an toàn với con chính là bố mẹ, ông bà, cô chú ruột thịt… Nếu trong trường hợp không có những người đó ở cạnh, hãy chỉ cho con cách chạy đến những nơi đông người, xin sự giúp đỡ của nhân viên bảo vệ hoặc nhân viên bán hàng gần đó…
Khi nói điều này với con, bạn đã giúp bé xác định được những người lạ mà bé có thể đến xin giúp đỡ, còn những người khác, con luôn phải giữ khoảng cách và cần có sự cảnh giác nhất định. Hãy để con biết đến những nơi an toàn và gặp những người đáng tin như vậy khi thấy cảm thấy nguy hiểm.
3. Hét lên "Cháu không quen ông ấy/ bà ấy"
Hãy dạy con hét thật to! Nếu con bạn bị người lạ tiếp cận, con cần biết phải làm gì. Một ý tưởng hay đó là dạy bé phải hét lên càng to càng càng tốt, chẳng hạn như hãy dạy trẻ la lớn lên rằng: "Cháu không biết cô là ai!", "Cháu không quen ông ấy/ cô ấy, họ đang bắt cóc cháu".
Cùng với la hét, bạn có thể bảo con phản kháng lại nếu cần để bảo vệ bản thân. Trẻ có thể hành động mạnh mẽ hơn bình thường, chẳng hạn như cắn, đá, cào, gào khóc... Lúc đó, bằng bất cứ giá nào, trẻ cần cố gắng thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh.
4. Chạy khỏi các xe đang đến gần theo hướng ngược lại
Dạy các bé không được lại gần xe người lạ là một điều hết sức quan trọng. Nếu một chiếc xe tiến lại gần, bắt đầu đi theo con, mà người trong xe đang cố gắng thu hút sự chú ý của con, hãy nhanh chóng chạy theo hướng ngược lại với hướng chuyển động của xe. Điều này sẽ giúp con có thời gian gọi người giúp đỡ.
5. Ngừng trò chuyện và giữ khoảng cách với người lạ
Khi tiếp xúc với người chưa từng gặp gỡ nên dạy trẻ cách giữ khoảng cách. Tuyệt đối không cho người lạ động chạm vào thân thể hoặc đi theo người lạ ngay cả khi họ nói sẽ giúp trẻ tìm đường về nhà.
Con bạn nên biết rằng bé không bắt buộc phải nói chuyện với người lạ. Hãy dạy trẻ, khi nói chuyện với người lạ, nếu cuộc trò chuyện kéo dài hơn 5-7 giây, tốt hơn hết con hãy bỏ đi và đến chỗ an toàn.
Thêm vào đó, khi đang nói chuyện, các bé nên đứng cách xa người kia khoảng từ 2-2,5 mét. Nếu người lạ cố gắng tiến lại gần, con hãy lùi ra sau. Bố mẹ hãy thực tập tình huống này với con, chỉ cho bé thấy 2,5 mét là như thế nào và nhấn mạnh rằng luôn giữ khoảng cách đó.
6. Dạy trẻ nói “không” với các món đồ của người lạ
Người lạ ở đây là những người trẻ chưa từng gặp mặt, chưa từng được cha mẹ giới thiệu trước đó. Cha mẹ cần dạy trẻ nói “không” với những món quà của người lạ như: đồ chơi, bánh kẹo, quần áo…
7. Cho trẻ xem các chương trình về nạn bắt cóc
Việc bố mẹ chia sẻ cùng con những câu chuyện xảy ra hằng ngày, hay cho trẻ xem những tình huống giả định khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm, cùng cách xử lí sẽ rất có lợi cho trẻ.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể tự tạo các tình huống giả định, diễn nhiều kịch bản khác nhau, chẳng hạn như một người lạ hỏi nếu con có muốn đi nhờ, hoặc một ai đó con quen biêt nói điều gì đó làm con ấy cảm thấy không thoải mái. Hãy dạy con biết cách xác định đâu là một tình huống tồi tệ, và nếu điều đó xảy ra, phải báo ngay cho bạn biết.
8. Thiết lập mật khẩu gia đình
Một ý tưởng tuyệt vời khác bố mẹ nên áp dụng đó là tạo ra một mật mã cho phép con biết ai là người an toàn được phép ở gần con. Nếu có ai đó nói với con "Hãy đi với cô. Cô sẽ đưa cháu đến gặp bố và mẹ", khi đó, điều đầu tiên bé nên làm là hỏi lại người đó xem "Bố mẹ cháu tên là gì? Mật khẩu nhà cháu là gì?". Hãy chắc chắn rằng câu mật mã đó không thịnh hành và ít người có thể đoán được.
Ngoài ra, để giúp trẻ đối phó được với người lạ mặt xấu bụng, bố mẹ cần: