Gia vị tuyệt hảo - linh hổn ẩm thực Tây Bắc mới đây được phát hiện có những hoạt chất gây độc tế bào ung thư.
- Những thực phẩm 'bẩn' dễ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, 4 món ăn quen thuộc này có khả năng cao nhất
- Uống nước hoa quả thay nước lọc: Nên không?
Theo Wikipedia, mắc Khén hay Má Khén có tên khoa học là Zanthoxylum rhetsa, thuộc họ cam, người dân miền núi còn gọi là cóc hôi, hoàng mộc hôi. Mắc Khén là loại cây thân gỗ cao chừng 8 – 10m, thân thẳng, có hoa nở ra thành từng chùm có mùi rất thơm từ tinh dầu của cây, từ từng chùm vậy đến tháng 11 Dương lịch kết thành chùm quả và cũng là thời điểm thu hoạch, quả sống có màu xanh đến lúc chín ngả vàng hồng tựa quả vải, hạt có màu đen.
Hạt mắc khén thơm ngon, cay tê đầu lưỡi, không thể thiếu được trong các món ăn hàng ngày của người dân thiểu số đặc biệt là người dân tộc Thái và người Isản (Thái Lan). Mắc khén mang nét đặc thù văn hóa, truyền thống bản địa, là linh hồn của các món ăn như thức chấm chẳm chéo, nam phrik; thịt động vật nướng (cá, gà, lợn, bò); tẩm ướp thịt sấy khô, gác bếp, hun khói (như thịt trâu, thịt bò, thịt lợn, cá gác bếp, lạp xưởng, xúc xích hun khói).
Hạt tươi đặc biệt thơm tuy nhiên để bảo quản lâu dài thường được phơi khô. Hạt được rang sơ cho thơm và giã/xay vụn trước khi sử dụng. Mắc khén cũng được xem là gia vị ẩm thực Tây Bắc, được xem như mà linh hồn của món ăn vùng Tây Bắc bởi người Thái dùng hạt vào hầu hết tất cả các món ăn và vị của hạt cũng là điểm nhấn góp phần tạo nên nét riêng biệt cho đặc sản nơi đây.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đông y cho rằng, mắc khén có tác dụng trừ hàn, ôn trung, trợ tiêu hóa và sát hồi trùng. Chủ trị:
Đau bụng do lạnh
Tẩy giun sán
Thổ tả
Khó tiêu
Đau nhức xương khớp
Nhức răng
Tê thấp
Cảm lạnh
Sốt rét kinh niên
hạt mắc khén (hạt sẻn)
Hạt mắc khén được phơi khô làm thuốc chữa bệnh hoặc làm gia vị
Nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra, mắc khén có những tác dụng như sau: Kháng khuẩn: Thành phần alcaloid cùng tinh dầu trong hạt mắc khén có khả năng ức chế một số chủng vi khuẩn, virus. Chiết xuất từ rễ cây cũng thể hiện rõ tác dụng kháng khuẩn.
Giảm đau: Sử dụng rượu ngâm mắc khén để xoa bóp giúp giảm đau trong các trường hợp bị bệnh xương khớp, tụ máu, bầm tím ngoài da.
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cây mắc khén (Z. rhetsa) trên thế giới cho thấy cây này có thành phần chủ yếu là các hợp chất quinoline alkaloid, ngoài ra còn có một số hợp chất khác như amide, lignan, coumarin, triterpenoid, flavonoid.
Các nghiên cứu về hoạt tính sinh học cho thấy nhiều hợp chất thu được từ cây này có những hoạt tính sinh học đáng chú ý như kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào, giảm đau, chống tiêu chảy, trừ giun, chống UV…, trong đó nổi bật nhất là khả năng gây độc tế bào ung thư và kháng khuẩn.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân thông tin trên Báo Giáo dục và Thời đại cho hay nhóm nghiên cứu Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên cho hay, đã tìm ra hoạt chất kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào, giảm đau, chống tiêu chảy, trừ giun, chống UV… trong cây mắc khén.
Kết quả đã phân lập và xác định cấu trúc của 15 hợp chất từ vỏ thân, trong đó có 1 chất mới là Zanthorhetsavietnamese, 8 chất từ lá và 5 chất từ quả. Một số chất thể hiện có hoạt tính tiềm năng, trong đó đáng chú ý là hoạt chất nitidine và hesperidin.
Nhóm cũng đã nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư của các mẫu tinh dầu thu được từ các bộ phận quả, lá, cành quả, cành lá, vỏ thân cành cây mắc khén.
Từ các kết quả này, nhóm đã tìm ra các thành phần có tiềm năng trong cây mắc khén Z. rhetsa như nitidine, hesperidin và tinh dầu có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, gây độc tế bào ung thư, đồng thời chiếm hàm lượng cao trong cây.
Để tiến tới việc khai thác một cách có hiệu quả các thành phần hoạt tính này nhằm định hướng phát triển thành các sản phẩm thiên nhiên có giá trị chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhóm đề xuất có thêm các nghiên cứu về một số hoạt tính khác như kháng viêm, giảm đau, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn... của các thành phần này.