Trẻ ho có đờm khiến cha mẹ lo lắng vì sợ con đã mắc các bệnh viêm đường hô hấp.
- Muốn con THÔNG MINH HƠN NGƯỜI, IQ CAO VÚT mẹ đừng quên bổ sung những loại trái cây này cho bé
- 10 mũi tiêm BẢO VỆ CON YÊU CẢ ĐỜI mẹ thông thái nhất định phải biết
1. Trẻ ho có đờm là gì?
Trẻ ho có đờm thường gặp phải khi thay đổi thời tiết. Trẻ ho nhiều, có đờm nhớt trong cổ họng khiến trẻ rát họng, khó thở, thở khò khè. Bệnh này không quá nặng và dễ chữa. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh, chữa trị kịp thời và dứt điểm, tránh để trẻ ho có đờm lâu ngày không khỏi có thể biến chứng sang các bệnh viêm đường hô hấp khác nghiêm trọng hơn.
2. Nguyên nhân khiến trẻ ho có đờm
Trẻ ho có đờm là do chất dịch nhầy ở đường hô hấp dưới của bé gây ra làm bít tắc đường thở. Nguyên nhân thường gặp khiến trẻ ho có đờm có thể do đang mắc các bệnh như: cảm lạnh, cảm cúm, viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản. Nếu trẻ ho có đờm kéo dài phải thận trọng vì có thể bị viêm phổi, viêm thanh quản, xoang, hen suyễn.
Đặc điểm thời tiết lạnh, không khí khô cũng khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh ho nhiều và kèm theo đờm đặc. Bên cạnh đó, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, nấm mốc phát triển ảnh hưởng đến đường hô hấp của trẻ dẫn đến bé ho có đờm thở khò khè.
3. Dấu hiệu nhận biết
- Trẻ ho nhiều, tiếng ho nặng.
- Trẻ khạc nhổ hoặc nôn chớ ra các cục đờm, nhớt màu trắng hoặc vàng đặc.
- Trẻ ho có đờm sổ mũi, nước mũi vàng, đặc.
- Trẻ có thể bị sốt hoặc không sốt.
Trẻ ho có đờm là biểu hiện của nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác nhau. Vì vậy, cha mẹ cần quan sát thêm nhiều dấu hiệu nhận biết khác để có cách điều trị phù hợp cho bé.
- Trẻ ho có đờm không sốt, viêm họng, sổ mũi, chán ăn, mắt kèm nhèm đây là biểu hiện trẻ bị cảm lạnh.
- Trẻ ho nhiều đờm về đêm, trẻ ho có đờm thở khò khè, có tiếng rít. Trẻ quấy khóc nhiều, bứt rứt, khó chịu rất có thể trẻ bị viêm tiểu phế quản.
- Trẻ sơ sinh ho có đờm, trẻ nôn sau cơn ho, tiếng thở khò khè có thể do trào ngược dạ dày thực quản hoặc đường thở có dị vật.
- Trẻ ho có đờm về đêm, ho từng cơn. Giữa các cơn ho trẻ có biểu hiện khó thở, lồng ngực hít vào nghe có tiếng rít như gà gáy, môi tím tái do không nhận đủ oxy là biểu hiện trẻ bị ho gà
4. Cách chữa trẻ ho có đờm
Cách xử lý khi trẻ bị ho có đờm rất đa dạng, các mẹ có thể áp dụng theo hai hướng:
- Chữa bằng Tây y: Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Tai-mũi –họng để thăm khám và được thầy thuốc chỉ định kê đơn thuốc. Tây y sẽ sử dụng các loại thuốc trị ho có đờm dưới dạng viên uống, viên ngậm, siro với các thành phần gồm chất long đờm, kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau. Cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn sử dụng cho trẻ uống thuốc. Ngoài ra, trẻ ho có đờm có thể được thực hiện kỹ thuật vỗ rung long đờm giúp trẻ đẩy đờm nhớt nhanh chóng.
- Chữa bằng Đông y: Đông y cũng có nhiều bài thuốc hay điều trị cho trẻ ho có đờm hiệu quả, an toàn như:
+ Bài 1: Nước ép củ cải. Theo Đông y, củ cải có tác dụng tiêu đờm, chữa khan tiếng hiệu quả. Mẹ chỉ cần lấy 1 củ cải trắng, cạo vỏ, thái hạt lựu rồi đem xay nhuyễn, lấy nước cốt cho con uống. Cho trẻ uống 1-2 thìa nước ép củ cải nguyên chất sẽ trị ho có đờm hiệu quả.
+ Bài 2: Rau diếp cá. Trong Đông y, rau diếp cá có tính mát, giúp thải độc, tiêu đờm. Lấy 1 nắm rau diếp cá rửa sạch, vẩy ráo. Sau đó giã nhuyễn với nước vo gạo. Lọc bã, lấy nước cốt đun nhỏ lửa rồi đem cho trẻ uống hàng ngày.
+ Bài 3: Quất -húng chanh -đường phèn. Lấy 2 quả quất cắt lát mỏng, vài lá húng chanh thái chỉ/ cho thêm 3 thìa cà phê mật ong. Trẻ sơ sinh không nên dùng mật ong có thể cho đường phèn. Đem hấp cách thủy 15-20 phút. Để nguội, dùng nước cốt pha cùng chút nước sôi để nguội, cho trẻ uống từng chút một nhiều lần trong ngày.
- Khi nào cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ: Trẻ có dấu hiệu ho có đờm lâu ngày không khỏi, chán ăn, bỏ bú, nôn ọe liên tục khiến mất nước kéo dài, trẻ sốt cao, sổ mũi nhiều. Cần được đưa đến bệnh viện để khám và theo dõi. Thậm chí trước đó trẻ đã đi khám nhưng khi về có biểu hiện bệnh nặng thêm cũng cần vào viện khám lại.
5. Cách chăm sóc trẻ ho có đờm
- Cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày để làm loãng đờm, dịu cơn rát họng, giảm ho. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ hoàn toàn nếu ho có đờm cũng nên uống thêm nước.
- Thực hành vỗ rung long đờm theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Cách này sẽ giúp việc lưu thông tuần hoàn máu của phổi tốt hơn, đờm trong phế quản dễ long ra.
- Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày bằng cách súc miệng nước muối sinh lý, hút rửa mũi cho trẻ nếu trẻ sổ mũi nhiều sau đó mới nhỏ thuốc nhỏ mũi.
Thay đổi thực đơn phong phú vì chế độ dinh dưỡng góp vai trò giúp trẻ ho có đờm nhanh khỏi bệnh. Nhiều mẹ băn khoăn không biết trẻ ho có đờm nên ăn gì và kiêng ăn gì. Có một vài món ăn gợi ý như sau:
+ Các món cháo, súp lỏng ví dụ như súp thịt lợn, cháo thịt bò, súp rau củ có chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Súp lỏng vừa giúp làm lỏng chất đờm nhầy trong cơ thể, lại làm giảm nghẹt mũi, tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh.
+ Sữa chua: Đây là món tráng miệng thú vị mà trẻ nào cũng yêu thích. Đặc biệt men vi sinh lactolacillus trong sữa chua có khả năng làm long đờm nhầy trong phổi rất hiệu quả.
+ Các loại rau gia vị như hành tỏi, cần tây có chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên, chất chống viêm sẽ giảm tình trạng sản xuất chất dịch nhầy trong phế quản, đồng thời tăng cường đề kháng cho cơ thể trẻ. Mẹ có thể gia giảm các loại rau gia vị khi nấu ăn hàng ngày để món ăn thơm ngon hơn, đồng thời trẻ có thêm một món ăn chữa bệnh ho có đờm rất tốt.
+ Trẻ ho có đờm nên kiêng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như động vật có vỏ, hải sản, đậu phộng, đậu nành, thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, đồ uống có ga,
6. Cách phòng tránh tình trạng trẻ ho có đờm
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng cho trẻ để hoàn thiện về mặt thể chất cũng như hệ miễn dịch.
- Thường xuyên cho trẻ vận động, vui chơi bên ngoài để tăng cường khả năng đề kháng ngay từ nhỏ.
- Tạo thói quen đeo khẩu trang khi cho trẻ ra ngoài đường. Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
- Vệ sinh phòng ở của trẻ thường xuyên để không khí lưu thông, tránh hình thành các ổ vi trùng, vi khuẩn.
- Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
- Khi trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi nhẹ có thể cho uống ngay các bài thuốc dân gian trị ho đơn giản để phòng bệnh.