Sai lầm nhiều người mắc khi trị viêm tai giữa cho con, cha mẹ cần tránh ngay kẻo hối hận chẳng kịp

Chăm sóc con 24/12/2018 13:00

Rất nhiều trẻ mắc các bệnh về tai mũi họng, nhưng thay vì cho đi bệnh viện cha mẹ lại áp dụng phương pháp dân gian không chỉ chẳng khỏi mà còn có thể gây hiểm khôn lường cho bé.

Sai lầm nhiều người mắc khi trị viêm tai giữa cho con, cha mẹ cần tránh ngay kẻo hối hận chẳng kịp - Ảnh 1
Trẻ bị thối tai, hỏng tai cha mẹ chữa bằng sáp ong. Cách chữa viêm tai giữa bằng sáp ong được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội

Trong các bệnh lý về tai mũi họng ở trẻ, phổ biến nhất là viêm tai giữa, viêm VA và viêm amidan. Đây không phải những bệnh lý phức tạp, khó điều trị nhưng nếu để thành mãn tính có thể dẫn tới một số biến chứng, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.

Gần đây thông tin thổi sáp ong trị viêm tai giữa được lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội. Theo chia sẻ của một mẹ bỉm sữa, sáp ong rừng bỏ mật, đun nóng lên cho tan ra rồi phết lên tờ giấy mỏng, sau đó đốt tờ giấy rồi thổi khói vào tai trẻ.

Mẹo chữa bệnh này ngay khi được chia sẻ trên mạng đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh với hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia tai mũi họng lại cho rằng cách chữa bệnh này không những không khỏi được bệnh mà còn có thể gây hiểm cho trẻ.

Trường hợp như bé Thảo Nguyên, 16 tháng tuổi, Mễ Trì, Hà Nội nhập viện do bị viêm tai xương chũm cấp hai bên, biến chứng liệt mặt ngoại biên trái, phải nhập viện để mổ cấp cứu xương chũm trái và đặt ống thông khí hai bên... Trước đó, bố mẹ bé không biết con bị viêm tai giữa mà chỉ rửa mũi, kết quả bé bị viêm tai biến chứng nặng nề.

Bé Hà Thị Hoa, 3 tuổi, ở Thái Bình hay chảy nước mũi xanh kèm ho. Khi khám ở bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tai giữa và kê kháng sinh, nhưng chị không cho con dùng mà tự mua thuốc bào chế riêng chữa bệnh cho con.

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An - Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt cho biết, viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ, tuy nhiên nếu bố mẹ không điều trị kịp thời, triệt để, khiến viêm tái đi tái lại kèm theo ứ dịch mủ trong tai có thể gây nguy hiểm lớn.

Bác sĩ An phân tích, gốc rễ của viêm tai giữa không phải từ trong tai mà phát sinh từ đường hô hấp trên, tức là phải qua giai đoạn viêm mũi họng rồi mới vào tai. Nếu viêm tai ở giai đoạn chưa vỡ mủ thì có thổi sáp ong hay nhỏ bất cứ thuốc gì vào tai cũng không có giá trị.

"Dùng sáp ong trong điều trị bệnh viêm tai hoàn toàn không có cơ sở khoa học. Thậm chí, đổ sáp như thế sẽ bịt mất đường dẫn lưu của mủ ra khỏi tai, mủ không chảy được ra ngoài sẽ chảy vào trong gây nên viêm màng não và áp xe não dẫn tới tử vong" - PGS An cho biết.

Cũng theo bác sĩ An, bên cạnh thổi, nhỏ sáp ong, có nhiều trường hợp các gia đình giã bột clorocid đổ vào tai con cũng vô cùng nguy hiểm bởi nếu mủ không thể chảy ra ngoài có thể tấn công vào phía màng não, vào dây thần kinh gây nên những biến chứng nặng nề như liệt mặt thậm chí điếc tai.

PGS TS Nguyễn Thị Hoài An cũng cảnh báo các bậc cha mẹ, nếu trẻ không có chảy mủ tai thì không nên can thiệp vào tai. Thay vào đó nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ kê các loại thuốc kháng sinh để điều trị, làm khô mũi thì tai sẽ khỏi dần.

Sai lầm nhiều người mắc khi trị viêm tai giữa cho con, cha mẹ cần tránh ngay kẻo hối hận chẳng kịp - Ảnh 2

Tự chữa viêm tai giữa cho con gây nhiều mối nguy hại khôn lường.

Về việc chữa căn bệnh này thế nào thì PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn Chủ tịch Hội tai mũi họng Hà Nội, Nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến khả năng thính giác của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa biết nói, có thể dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ, thậm chí điếc - câm bẩm sinh...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.

Nặng hơn nữa là những biến chứng nhiễm trùng, có khi ảnh hưởng đến tính mạng do biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây thần kinh số VII).

PGS Sơn cho biết, nhiều trẻ bố mẹ áp dụng cách thổi thuốc vào tai trẻ, khiến dịch viêm tai ứ lại không thoát được cũng gây ra thối tai. BS Sơn khuyến cáo, các bậc phụ huynh tuyệt đối không thổi các thuốc bột hay thuốc đông y nào vào tai khi trẻ bị viêm tai giữa.

Viêm tai giữa cơn ác mộng của cha mẹ có con nhỏ: 3 sai lầm khiến bệnh càng thêm nặng

Mùa Đông đến cũng là mùa dịch cúm đến và kéo theo viêm tai giữa, vòng quay lặp lại này luôn là nỗi ám ảnh của các bà mẹ nuôi con nhỏ.

TIN MỚI NHẤT