Viêm phế quản ở trẻ em nếu không điều trị kịp thời có thể biến chứng thành viêm phổi.
- Bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách phòng chống bệnh viêm họng cho trẻ khi trời lạnh
- Bác sĩ Nhi tư vấn: Mẹ cần làm gì khi trẻ bị quai bị?
Bệnh viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em và trẻ sơ sinh. Bệnh có thể chữa trị tại nhà với trường hợp nhẹ và cần nhập viện trong một số trường hợp nghiêm trọng. Bố mẹ cần theo dõi bệnh sát sao để không xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Nội dung bài viết bao gồm:
Biểu hiện viêm phế quản ở trẻ em
Nguyên nhân khiến trẻ em bị viêm phế quản
Cách điều trị
Dấu hiệu nguy hiểm
BIỂU HIỆN VIÊM PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM
Viêm phế quản là khi cuống phổi hay đường thở dưới của bé bị viêm, sưng đau nhưng chưa ảnh hưởng đến nhu môi phổi. Viêm phế quản nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phổi. Khi bị viêm phế quản bé có thể có các triệu chứng sau:
- Ho khô hoặc ho ướt (có chất nhầy trong cổ họng). Bé có thể bị đờm vàng, xanh hoặc trắng.
- Đau ngực, khó thở trong một số trường hợp.
- Ớn lạnh.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Chảy nước mũi.
- Thở khò khè.
- Đau họng.
- Sốt nhẹ.
NGUYÊN NHÂN
Thông thường, virus là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm phế quản ở trẻ em. Các vi khuẩn phổ biến nhất gây ra viêm phế quản bao gồm liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn… Ngoài ra tiếp xúc với vi khuẩn, nấm và kí sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.
Khi sức đề kháng của bé yếu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể cùng với môi trường thuận lợi như thời tiết chuyển mùa, ô nhiễm, khói bụi… khiến cho bệnh tiến triển nhanh hơn, đặc biệt ở mũi và họng.
Môi trường ô nhiễm khiến bé thường xuyên phải hít các loại bụi bẩn, khói thuốc lá, khóI xe cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản. Ngoài ra tắm quá lâu, tắm nước lạnh, ngồi điều hòa lâu cũng dễ khiến bé bị bệnh.
CÁCH ĐIỀU TRỊ
Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ sẽ cho mẹ lời khuyên làm thế nào để là giảm các triệu chứng viêm phế quản. Thông thường bác sĩ không kê thuốc vì kháng sinh không có tác dụng với bệnh. Thậm chí sử dụng kháng sinh còn có thể gây hại vì gây ra các phản ứng phụ không mong muốn.
Tuy nhiên, nếu bé gặp khó khăn khi thở, bác sĩ có thể kê toa thuốc giãn phế quản giúp mở các ống phế quản và giảm các chất nhầy trong cổ họng bé.
Ngoài ra bố mẹ có thể chăm sóc và giúp bé nghỉ ngơi ở nhà. Tình trạng của bé có thể thuyên giảm trong 1 tuần tới 10 ngày. Dưới đây là những phương pháp giúp bé nhanh chóng hồi phục:
- Uống nhiều nước
Để ngăn ngừa mất nước và thông thoáng đường thở bé nên uống nhiều nước. Mẹ có thể cho bé uống dung dịch muối đường để bù nước.
- Nghỉ ngơi
Mẹ nên để bé nghỉ ngơi đầy đủ. Thời tiết, khói bụi, hơi lạnh có thể gây kích ứng đường hô hấp của bé. Vì vậy hãy cho bé ở trong phòng sạch sẽ, ấm áp, không có khói thuốc.
- Tăng cường độ ẩm trong nhà
Mẹ có thể dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của bé hoặc trong nhà, đặc biệt ở những nơi có thời tiết khô hanh. Làm ẩm không khí sẽ giúp bé dễ thở hơn.
- Vệ sinh mũi sạch sẽ
Mẹ có thể nhỏ nước muối sinh lí để giúp bé giảm ngạt mũi.
- Ngủ đầy đủ
Ngủ đủ giấc sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, giúp bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
- Mật ong
Cho bé uống mật ong có thể xoa dịu cổ họng và giảm bớt ho. Tuy nhiên không cho bé dưới 1 tuổi sử dụng mật ong.
DẤU HIỆU NGUY HIỂM
Bố mẹ cần cho bé đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu sau đây:
- Bé bị viêm phế quản hơn 3 tuần.
- Bé khó ngủ.
- Bé sốt cao.
- Bé thở khò khè hoặc thở dốc.
Bé ho ra máu.
Theo bác sĩ Trần Quốc Ninh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, trẻ bị viêm phế quản nhẹ không nên dùng kháng sinh cho bé. Phương pháp chữa trị chủ yếu là làm long đờm, ăn uống đầy đủ. Nếu được chăm sóc tốt, nhiều bé sẽ tự khỏi sau đó vài ba ngày.
Trẻ sơ sinh nên tăng cường cho bé bú mẹ. Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm, bạn nên cho bé ăn loãng hơn thường ngày. Nên bổ sung lượng nước theo nhu cầu hàng ngày của bé. Nước đun sôi để nguội, nước hoa quả hoặc nước cháo… cũng rất tốt cho bé trong trường hợp này.
Nên cho bé ăn những loại thức ăn dễ tiêu, ít chất béo, ít chất ngọt và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Trước bữa ăn, bạn nên nhỏ mũi cho bé (dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi dành cho bé) để làm thông mũi bé. Nhỏ mỗi lần 3 - 4 giọt, mỗi ngày 2 - 3 lần (hoặc tham khảo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì thuốc nhỏ mũi). Sau đó, bạn có thể dùng khăn mềm lau khô.
Trường hợp bé bị sốt, bạn không nên ủ ấm bé quá kỹ. Mặc cho bé những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, có thể dùng nước mát chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn bé. Nếu bé sốt cao, bạn có thể dùng paracetamol để hạ sốt nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách thức sử dụng.