Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Ngô Thạnh Phát cho biết trẻ bị viêm tiểu phế quản do một loại virus hô hấp hợp bào gây ra. Khi bé bị viêm tiểu phế quản, tùy theo mức độ bệnh mà được điều trị nội trú hay ngoại trú.
- Trẻ sơ sinh bị vàng da: Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị
- Bác sĩ Nhi chỉ cách xử lý trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi bằng nước muối sinh lý và bấc loa kèn
Chào bác sĩ! Bác sĩ vui lòng cho biết trẻ bị viêm tiểu phế quản thì nguyên nhân do đâu, cách phòng bệnh hiệu quả đồng thời cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm tiểu phế quản?
Làm gì khi trẻ bị viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 24 tháng. Nguyên nhân chính của bệnh lý này là do virus hô hấp hợp bào (Respiratory Syncytial Virus- viết tắt là RSV) gây nên. RSV là loại virus hô hấp rất dễ lây lan.
Có đến 50% trẻ sơ sinh nhiễm virus này trong năm đầu tiên và gần như tất cả trẻ em từng bị nhiễm ít nhất một lần trước sinh nhật lần thứ 2 (24 tháng tuổi).
Nguy cơ nhiễm RSV cao hơn và biến chứng nặng hơn thường xảy ra ở những trẻ sinh non, có bệnh lý phổi khác, bệnh lý tim (bệnh tim bẩm sinh) hoặc các bệnh lý miễn dịch khác. Những biến chứng ở nhóm bệnh nhi này đôi khi chuyển biến nặng và nguy cơ tử vong cao.
Để phòng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ, vấn đề quan trọng là phòng tránh lây lan của tác nhân gây bệnh RSV. Hiện nay chưa có vaccine chống virus RSV nên việc phòng tránh chủ yếu là ngăn không cho bé tiếp xúc với tác nhân này. Cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang cảm lạnh hay bị sốt.
- Rửa tay với xà phòng và nước trước khi chạm vào cơ thể trẻ.
- Khi cha mẹ ho hoặc hắt hơi nên sử dụng khăn giấy và bỏ ngay vào thùng rác.
- Giữ cho bé tránh xa những người đang ho và cảm lạnh, đặc biệt trong mùa dịch RSV. Nếu con bạn có nguy cơ mắc bệnh cao, hãy cố gắng tránh những chỗ đông người.
- Rửa sạch đồ chơi của trẻ khi bé đang có các triệu chứng cảm lạnh. Virus có thể sống trên các bề mặt đồ chơi trong nhiều giờ. Và đặc biệt chú ý không nên để người khác hôn bé nhà bạn.
- Không để con bạn tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá, ngay cả trong nhà hoặc ở bên ngoài.
- Đến khám bác sĩ nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm.
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại virus này. Mặt khác, vaccine chống virus cũng chưa có. Do đó, quan trọng hơn hết là cha mẹ biết cách phòng bệnh cho bé.
Khi bé được chẩn đoán viêm tiểu phế quản thì tùy vào mức độ nặng của bệnh lý mà bé cần phải nhập viện hay điều trị ngoại trú. Cần chú ý nguy cơ biến chứng nặng nề ở những bé thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao.
Trẻ mắc chứng viêm tiểu phế quản, cha mẹ nên đưa bé đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán và tư vấn điều trị hợp lý, hạn chế tự sử dụng thuốc hay các liệu pháp điều trị chưa được khoa học chứng minh tại nhà.
Bác sĩ nội trú Ngô Thạnh Phát
(Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Chợ Rẫy)