Một số bộ phận trên cơ thể trẻ thường không được chú ý bảo vệ và là yếu tố hàng đầu khiến bé hay bị ốm vào mùa đông. Vì vậy, mẹ cần đặc biệt lưu ý giữ ấm.
- Những món ăn, đồ uống giúp giữ ấm cơ thể mẹ cần bổ sung ngay cho bé trong ngày lạnh
- 6 bộ phận cơ thể bé dễ bị nhiễm lạnh đầu mùa, cần đặc biệt được giữ ấm
Mũi, cổ họng, tai, bụng, tay và chân là những bộ phận cơ thể của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị lạnh nhất. Đặc biệt là vào những ngày thời tiết có nắng nhẹ nhưng nền nhiệt vẫn thấp như hiện nay, những bộ phận này lại càng đặc biệt cần phải giữ ấm hơn những khu vực khác.
1. Giữ ấm mũi: Massage nhẹ nhàng
Mũi là bộ phận duy nhất của trẻ thường xuyên tiếp xúc với không khí, làm nhiệm vụ hít thở, đưa không khí bên ngoài vào trong cơ thể đồng thời thở ra. Mũi ửng đỏ là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với thời tiết lạnh và không được bảo vệ.
Thông thường, trẻ nhỏ bị các bệnh về sổ mũi, nghẹt mũi hay cảm cúm đều bắt nguồn chủ yếu từ việc mũi hít phải quá nhiều luồng không khí lạnh mà không được sưởi ấm kịp thời. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến một số trường hợp như khô mũi, vỡ mao mạch, chảy máu mũi...
Chính vì thế, vào mùa đông cha mẹ cần đặc biệt giữ ấm khu vực mũi cho con. Khi ở trong nhà nên cho bé ở khu vực kín gió nhưng thoáng khí. Khi đi ra ngoài cần đeo khẩu trang hoặc trùm kín đầu (đối với trẻ sơ sinh) bằng khăn mỏng, thoáng.
Đặc biệt, khi trẻ vừa đi từ ngoài trời vào nhà cần làm một số biện pháp "lấy lại hơi ấm" như massage nhẹ nhàng dọc hai cánh mũi vài lần để máu lưu thông dễ mà mũi bé không bị lạnh.
2. Giữ ấm tai: Đội mũ len
Là một bộ phận thường không được quan tâm nhiều nhưng tai lại đặc biệt cần được giữ ấm vì rất dễ bị nhiễm lạnh.
Mẹ thử làm một ví dụ nhỏ đó là dùng đôi bàn tay của mình bịt kín hai bên tai lại sẽ không còn cảm giác ớn lạnh mỗi khi gió lùa vào tai. Tương tự như thế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa thể đưa ra những yêu cầu đối với mẹ thì mẹ phải là người hiểu điều này hơn bao giờ hết.
Luôn giữ ấm đôi tai cho con bằng một số loại khăn hoặc bông bịt tai có bán sẵn ngoài các hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng. Để yên tâm hơn nữa, mẹ có thể dùng loại mũ len chụp lên phần đầu cho con khi ra ngoài và nhớ tháo ra khi đã vào nơi kín gió để trẻ không cảm thấy bí bách.
3. Cổ họng: Quàng khăn
Một chiếc khăn ấm trong những ngày đông giá rét này đặc biệt quan trọng đối với cổ họng của trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà trẻ nhỏ hay ho vào mùa đông, đơn giản là bởi vì trẻ hay nô đùa, chạy nhảy và những chiếc khăn quàng cổ vướng víu sẽ khiến cho đứa trẻ cảm thấy không thoái mái và tháo ra. Nhưng bé lại quên quàng vào khi không nô đùa nữa. Đó là lúc luồng không khí lạnh sẽ luồn từ phía gáy đến tai và cổ họng khiến cho bé có cảm giác gai lạnh, ảnh hưởng đến thanh quản và yết hầu gây ho, khàn tiếng.
Vì thế, mẹ nên nhớ mặc áo len cao cổ cho trẻ mỗi khi đi ra ngoài. Tuy nhiên chỉ nên dùng loại áo len cao cổ mỏng và choàng thêm khăn. Khi trẻ nóng cởi khăn quàng ra vẫn còn một lớp áo cao cổ bảo vệ cổ họng.
4. Phần bụng: Mặc áo trùm kín bụng
Không phải ngẫu nhiên bụng cũng trở thành 1 trong 6 bộ phận cần được đặc biệt bảo vệ bởi bụng liên quan đến hệ thông tiêu hóa của trẻ. Nếu bụng bị nhiễm lạnh kết hợp với việc tiêu thụ thức ăn lạnh rất dễ là nguyên nhân khiến nhu động ruột tăng lên, gây mất sức đề kháng của cơ thể dẫn đến một số tình trạng như cảm lạnh, sốt cao và mất nước.
Ngoài việc mặc quần áo trùm kín bụng và phần lưng cho trẻ, mẹ có thể làm một số động tác massage vùng bụng cho trẻ sơ sinh (hoặc dạy trẻ thực hiện nếu trẻ đã lớn).
Việc massage vùng bụng không chỉ giúp làm ấm bụng mà còn rất tốt cho sức khỏe của trẻ.
5. Đôi bàn tay: Massage tay
Đôi bàn tay bị nhiễm lạnh thường có dấu hiệu ửng đỏ hoặc trắng nhợt, các khớp tay yếu dần, da dẻ bị nhăn nheo.
Tuy nhiên, rất ít khi tay của trẻ được ưu tiên ủ ấm vì bé thường thích nô đùa, nghịch ngợm nên tháo tất tay ra.
Hãy luôn nhắc nhở bé đeo gang tay ấm phù hợp với kích thước bàn tay, không rộng quá hoặc chật quá khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó động tác xoa hai bàn tay lại với nhau cũng giúp trẻ giữ ấm đôi tay.
Với trẻ sơ sinh, mẹ có thể đặt ngửa bàn tay của bé, dùng ngón cái day nhẹ vào lòng bàn tay. Nắm bóp và kéo nhẹ các ngón tay để kích thích sự lưu thông của mạch máu.
6. Đôi bàn chân: Đi tất và massage chân
Rất nhiều mẹ băn khoăn giữa việc có nên đi tất chân thường xuyên cho trẻ hay không vì việc đi tất chân quá thường xuyên cũng khiến cản trở sự phát triển chân của trẻ hoặc không thể thoát được tuyến mồ hôi chân gây bí bách.
Tuy nhiên các mẹ cần hiểu, lượng mỡ dưới chân của trẻ vốn đã rất ít nên việc giữ nhiệt là kém và thường nhạy cảm nhất với không khí lạnh.
Vì thế, trong thời tiết trở lạnh, tốt nhất cần giữ ấm chân cho trẻ thường xuyên bằng tất chân và nên chọn loại thấm hút mồ hôi tốt. Bên cạnh đó cũng nên để ý nếu tất bị ướt cần thay loại tất khác vì tất ướt là điều kiện lý tưởng để trẻ bị nhiễm lạnh nhanh hơn.
Bên cạnh đó, việc đi tất chân cho trẻ khi ngủ là khá cần thiết vì nó có thể giữ ấm đôi chân cho bé trong khi ngủ giúp bé ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, chỉ nên đi tất khoảng thời gian ban đầu khi mà nhiệt độ thấp, chân trẻ bị lạnh. Khi trẻ đã ngủ ngon có thể tháo bỏ tất chân để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ do nhiệt quá cao.