Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến và có tỉ lệ tử vong cao ở trẻ em. Muỗi vằn mang virus gây bệnh sẽ truyền từ người mắc sốt xuất huyết sang người bình thường. Cha mẹ cần biết cách phòng ngừa và chăm sóc khi trẻ có các triệu chứng mắc bệnh.
- Tưởng chỉ ốm sốt thường, mẹ ngỡ ngàng sau 1 tháng đi viện, con về với thân hình co quắp
- Sốt phát ban ở trẻ em nguy hiểm thế nào?
Sốt xuất huyết là căn bệnh “đến hẹn lại lên” do virus Dengue gây nên. Bệnh có thể tiến triển nhanh và bùng phát thành dịch. Muỗi vằn chính là tác nhân trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người bình thường. Ở trẻ em, sốt xuất huyết là một trong mười nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Triệu chứng của trẻ bị sốt xuất huyết
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết trẻ bị sốt xuất huyết sẽ có triệu chứng sốt cao, khó hạ sốt, khi hết sốt sẽ có dấu hiệu sốt trở lại.
Thông thường trẻ bị sốt xuất huyết sẽ chỉ bị sốt, ít khi kèm các triệu chứng khác như ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy. Hai ngày đầu phát bệnh, trẻ cần được theo dõi. Sau hai ngày, phải tiến hành xét nghiệm máu (có thể xét nghiệm nhiều lần) để chẩn đoán và theo dõi tình trạng bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin.
Ngoài ra, cơ thể trẻ còn có hiện tượng xuất huyết dưới da dạng chấm, nốt, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đau bụng âm ỉ hoặc buồn nôn.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết như thế nào?
Đa số các trường hợp trẻ bị sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và đến bệnh viện khám theo lịch hẹn. Khi chăm sóc trẻ tại nhà, việc cha mẹ cần làm là cho trẻ uống nhiều nước, hạn chế vận động mạnh khi bị sốt.
Trong chế độ dinh dưỡng, mẹ cần lưu ý cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu hóa, các thức ăn giàu vitamin (rau quả, nước trái cây tươi…) và chia nhỏ thành nhiều bữa. Hạn chế việc cho trẻ uống nước có ga, nước có màu đỏ hoặc nâu. Đồng thời, kiêng cho trẻ ăn các thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc nâu, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có dấu hiệu nôn mửa nhiều, đau bụng vùng gan (vùng sườn bên phải), chảy máu cam, ói ra máu, đi tiêu ra máu cần cho trẻ nhập viện. Mẹ đặc biệt lưu ý không áp dụng các phương pháp dân gian để lể hoặc truyền dịch tại nhà khi chưa cần thiết.
Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết cho trẻ
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh việc phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ là việc làm cực kỳ cần thiết và quan trọng nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn còn chưa chú ý. Do đó, để hạn chế sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết, cha mẹ nên phòng ngừa bằng các biện pháp phổ biến sau:
Thường xuyên diệt muỗi, diệt loăng quăng xung quanh nhà. Những nơi mọi người không thể chú ý tới nhưng có thể là nơi trú ẩn an toàn của muỗi như: Hòn non bộ, chén nước chống kiến, vỏ bánh xe, các vật dụng trũng chứa nước quanh nhà…
Cần tạo thói quen diệt muỗi, diệt loăng quăng để các thành viên trong nhà không mắc bệnh. Muỗi vằn thường trú ẩn ở những nơi ao tù, nước đọng, những chỗ tối trong nhà (gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, quần áo…). Vì vậy, cha mẹ cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, tạo không gian thông thoáng để muỗi không có nơi sinh sôi nảy nở.