Vượt ra khỏi mục đích ban đầu của bố mẹ là giúp con ngoan hơn, sau mỗi trận đòn roi, trẻ phải gánh chịu hậu quả nặng nề về tâm lý và thể chất, thậm chí là cả tính mạng.
- Muốn tốt cho con cha mẹ nên cân nhắc khi dạy 6 điều này
- 10 quy tắc nuôi dạy con thành công của ông bố nổi tiếng
Ít giờ qua, dư luận xôn xao trước thông tin về vụ bé gái 3 tuổi (ngụ ở quận 12. TP. Hồ Chí Minh) đang nguy kịch vì chấn thương sọ não, nghi do bị mẹ ruột đánh.
Cụ thể, tối 24/11, bé L.C được người nhà đưa đến Bệnh viện quận 12 trong tình trạng có nhiều vết thương trên cơ thể. Sau khi hồi sức tích cực, các bác sĩ đã chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Tại đây, bé đã hôn mê, đồng tử giãn. Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh ghi nhận bệnh nhi có nhiều vết thương tụ máu khắp cơ thể, chấn thương sọ não, xuất huyết não, dập lá lách... tiên lượng khó qua khỏi.
Theo chia sẻ từ bà Trần Thị Phượng, bà ngoại của bé L.C, chị D. - con gái bà có 5 người con với 3 người chồng khác nhau và L.C là bé thứ 4, dưới bé còn có một bé trai nữa mới 2 tuổi.
Bà Phượng kể, nguyên nhân khiến bé L.C bị chấn thương nặng là do hôm đó bé C đi vệ sinh nhưng lỡ làm dính phân vào dép, chị D. bực quá nên đã dùng tay đánh. Bà Phượng cho biết thêm rằng bình thường chị D cũng rất thương con, một số lần có dùng tay đánh con nhưng rất nhẹ. Trước khi sự việc xảy ra, chị D. có biểu hiện bất thường về tâm lý. Người dân sống gần nhà chị D cũng cho biết chị có biểu hiện bị trầm cảm.
Vụ việc này chính là hồi chuông cảnh báo sâu sắc tới các bố mẹ có con nhỏ. Ai cũng biết đánh con là không nên và tự nhủ với mình rằng không đánh con nhưng chuyện này vẫn xảy ra trong không ít gia đình, khi bố mẹ không đủ bình tĩnh để kiềm chế, khi con trót gây ra một việc gì đó trái ý bố mẹ mà đúng lúc bố mẹ đang nóng giận, bận rộn... Hơn ai hết, sau mỗi lần dùng roi vọt, chính những người làm cha làm mẹ lại hối hận vô cùng.
Các chuyên gia tâm lý phân tích rằng roi vọt cũng là một phương thức để trẻ chấp nhận hậu quả và nhận ra sai trái của mình. Tuy nhiên, có những bộ phận trên cơ thể bố mẹ tuyệt đối không được đánh vào, nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng như trường hợp của em bé 3 tuổi kể trên.
Từ góc nhìn khoc học, các chuyên gia sức khỏe cho biết những bộ phận dưới đây trên cơ thể trẻ được xem là "tử huyệt", nếu đánh trẻ vào những nơi này, bố mẹ có thể phải trả giá đắt bằng chính tính mạng của con mình.
Huyệt thái dương
Huyệt thái dương trên khu vực đầu là nơi rất mong manh, có rất nhiều huyệt đạo. Vì thế, nếu đánh trẻ vào huyệt thái dương, trẻ có thể bị tổn thương đến mức mù lòa, mất tầm nhìn, thậm chí tổn thương đến cả não bộ.
Phía sau đầu
Đây cũng là nơi rất nhạy cảm bố mẹ giận đến mấy cũng không được đánh con vào nơi này. Nếu đánh quá mạnh tay vào phía sau đầu, trẻ có thể phải gánh chịu những hậu quả nặng nề như tổn thương não, tụ máu não, chảy máu não...
Mặt
Trong cơn nóng giận do không kiểm soát được cảm xúc và hành vi nên nhiều bố mẹ đã đánh luôn vào mặt con. Không chỉ bị tổn thương, bầm tím khuôn mặt mà khi đánh vào mặt quá nặng, trẻ có thể bị gẫy răng, ù tai, chảy máu trong tai.
Nếu cha mẹ không kiềm chế được mà đánh vào quai hàm của trẻ có thể sẽ khiến phần xương này bị lệch. Hậu quả là khuôn mặt phát triển không đều nhau.
Đánh vào mặt còn để lại một hậu quả vô cùng tai hại khác là khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý lâu dài. Một đứa trẻ bị đánh vào mặt nhiều lần chúng sẽ tự ti, hay sợ hãi, sống thu mình lại hơn, luôn trong tư thế phòng vệ.
Tai
Khi đánh nhau, tức giận nhau, người lớn, trẻ con thường có thói quen véo vào tai, tát vào tai mà không biết rằng đây là nơi dễ gây tổn thương nhất. Cũng giống như huyệt thái dương, khi trẻ bị đánh vào tai quá mạnh có thể gây tổn thương mô mềm dưới da, chấn động não, chảy hoặc tụ máu não, dây thần kinh tai bị hỏng.
Thực tế cho thấy đã có trẻ từng bị ngất do hành động vặn tai con của bố mẹ.
Ngực
Ngực là trung tâm xương và hệ thống hô hấp. Khi bị đánh vào ngực, trẻ có thể bị suy hô hấp, nặng hơn là tử vong ngay lập tức.
Bụng
Khu vực bụng chứa lục phủ ngũ tạng nên cũng là bộ phận vô cùng nhạy cảm. Với lực tác động mạnh từ bên ngoài, trẻ sẽ bị tổn thương ruột, gan, lá lách và có thể mất mạng nếu không cấp cứu kịp thời vì xuất huyết nội tạng.
Mông
Bố mẹ thường nghĩ rằng đánh vào mông sẽ không nguy hiểm cho trẻ bởi mông nhiều mô mỡ nhưng đây lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Các chuyên gia cho biết mông trẻ nhỏ chứa nhiều mạch máu nên khi bị đánh vào mông, trẻ sẽ bị tác động mạnh về thể chất, làm mông bị thâm tím, thậm chí gây xuất huyết, tuần hoàn máu kém. Nặng nề nhất khi đánh con vào mông là gây ra hậu quả vỡ tế bào, suy thận cấp, nguy hiểm tính mạng.
Đặc biệt với các bé trai, những đòn roi hướng vào mông trẻ còn ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, có thể gây tổn thương tinh hoàn và thậm chí là tác động đến cả khả năng sinh sản sau này.
Dù né tránh hết những bộ phận trên thì đánh đòn con chưa bao giờ là cách dạy dỗ con nên người được các chuyên gia khuyến cáo. Đặc biệt với trẻ còn nhỏ, cơ thể rất non nớt và đang trên đà phát triển, mỗi trận đòn roi của bố mẹ đều để lại hậu quả vô cùng tai hại cả về thể chất và tinh thần. Khi trẻ hành xử không như ý mình, hãy cố gắng thật bình tĩnh lại, tìm cách giải thích cho con hiểu, đồng thời lựa chọn hình phạt phù hợp hơn thay vì đánh đòn con.