Chúng ta thường nhìn vào những hành động ngỗ nghịch, ương bướng của con trẻ và đôi khi buông những lời nặng nề, chỉ trích. Nếu chịu khó ngồi xuống lắng nghe, bạn sẽ thấy phia sau một đứa trẻ hư là chồng chất của những nỗi buồn.
- Những hành động này của cha mẹ giúp trẻ nâng cao trí tuệ cảm xúc, dễ thành công trong đời
- Trẻ vừa xem ti vi vừa ăn, tưởng vô hại mà hại không tưởng
Nam là một học sinh lớp 8, ăn mặc bốc đồng, khác thường, tóc tai lúc nào cũng nhuộm xanh nhuộm đỏ. Chẳng cần phải làm thêm gì cho khác thường, mỗi khi Nam tới trường, ai cũng biết rõ cậu ấy là một học sinh nổi bật bởi hình ảnh bề ngoài và tính cách không giống ai.
Đánh bạn, cãi lời thầy cô, đi học trễ về học muộn. Có những hôm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, Nam vẫn lang thang ở sân trường không chịu về nhà.
Cô giáo chủ nhiệm của Nam là một phụ nữ ôn hòa, trầm tính. Với kinh nghiệm ba mươi năm đứng giảng dạy, gặp bao nhiêu học trò ngỗ nghịch, quậy phá, cô chưa từng thấy ai cá tính mạnh mẽ và khó bảo như Nam. Mọi thầy cô trong trường đều e ngại học sinh này.
Một hôm, Nam đánh một bạn nữ trong lớp. Bạn ấy bị chảy máu ở đầu phải đưa đi cấp cứu. Cô giáo tức quá, vung tay lên định đánh Nam. Như không sợ. Nam còn hất mặt thách thức cô giáo chủ nhệm của mình.
Cô nói:
- Em mời bố mẹ lên gặp tôi. Bố mẹ em là ai, cho tôi số điện thoại.
Ngay lập tức, Nam nói tỉnh bơ:
- Bố mẹ em chết rồi.
Câu nói ấy vừa buông ra thì cô giáo hạ cánh tay xuống, vội vã ôm Nam vào lòng. Thì ra làm chủ nhiệm cả nửa năm trời, cô chưa từng biết cậu bé này bất hạnh như thế nào.
Câu chuyện phía trên chỉ là một trong vô vàn những mẩu chuyện bất hạnh trên đời. Nhưng có những bất hạnh giáng xuống đứa trẻ khi nó còn chưa đủ nhân sinh quan, nhận thức đúng sai trước mọi sự việc của đời sống. Nhiều người thường nhìn vẻ bề ngoài của trẻ để nhìn nhận và đánh giá, đôi khi quy chụp. Nhưng nếu một lần ngồi xuống, lắng nghe. Ẩn sau vẻ gai góc bên ngoài kia, đầy những nỗi niềm chứa ở bên trong.
Nhất là khi một đứa bé ở tuổi dậy thì, với những bất ổn của tâm sinh lý, lại thêm sự bất ổn của một môi trường sống, hẳn nó sẽ trở nên lỳ lợm, khó bảo. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, một đứa trẻ sẽ rất khó hư nếu như thế giới sau lưng nó đều là gia đình tử tế, bình yên và yêu thương nó. Nhưng nó sẽ bất ổn nếu như thế giới ấy cũng đầy bất ổns, sóng gio.
Ngày nay có rất nhiều những tác động tiêu cực từ thế giới bên ngoài làm cho con trẻ dễ bị lầm đường lạc lối và nhận thức bị sai lạc. Nếu sự hời hợt vắng mặt của người lớn trong việc bám theo từng chặng đường học tập và lớn lên của trẻ, sẽ càng khiến những đứa trẻ ấy trở thành trẻ hư.
Đặc biệt sự phát triển của mạng xã hội, nó không chỉ là ảo mà ngày càng trở nên thật, tới mức tác động thẳng vào sự phát triển của con người thật. Cũng từ đó trẻ trở nên cô đơn trong cuộc sống thực tại, mất kết nối với gia đình, không gian sống quanh mình. Nhiều cái hay bị quên lãng, nhiều cái dở lại... lên ngôi và nhanh chóng ám thị vào tư duy của trẻ. Nếu cha mẹ tỉnh thức, hãy cùng con vượt lên những cám dỗ từ mạng xã hội.
Ai cũng biết rằng hạnh phúc của người làm bố mẹ là có những đứa con ngoan và may mắn của thầy cô là có những học trò giỏi. Nhưng nếu gặp một đứa trẻ hư, xin chúng ta hãy nhìn lại cách giáo dục của mình.