Cách vệ sinh tai, mắt, mũi cho trẻ sơ sinh chuẩn và an toàn nhất là dùng khăn mềm và nước sạch.
Đối với những người lần đầu làm mẹ chắc chắn không tránh khỏi những lúc bỡ ngỡ khi bế con, lần đầu tắm hoặc vệ sinh thân thể cho con.
Những kĩ năng này người mẹ cần tìm hiểu và thực hành tập dần trước khi sinh để không phải quá bối rối khi đã có con rồi.
Dưới đây là một số cách vệ sinh tai, mắt, mũi chuẩn nhất cho trẻ sơ sinh mà mọi người mẹ đều phải nắm được.
1. Vệ sinh mắt
Mắt là bộ phận quan trọng trên cơ thể trẻ. Để có được một đôi mắt sáng và lanh lợi khi lớn lên, ngay từ những ngày đầu mới sinh mẹ cần thực hiện các bước làm sạch mắt và xung quanh mắt thật kĩ càng.
Các bước:
- Dùng nước muối sinh lý (loại dành cho trẻ nhỏ) nhỏ vào mỗi bên mắt 1 giọt và nghiêng người bé để nước rửa mắt, làm trôi các bụi bẩn bên trong mắt ra ngoài.
- Sử dụng những miếng bông gòn ngâm vào cốc nước ấm để lau bên ngoài.
- Làm sạch các góc của mắt bé, lau nhẹ nhàng từ góc bên trong tới góc ngoài. Dùng những bông gòn khác nhau ở những mắt khác nhau để tránh việc lây nhiễm bệnh từ mắt này sang mắt kia.
Lưu ý: Làm thật nhẹ nhàng để bé không cảm thấy đau. Trong trường hợp mắt có gỉ khô, chỉ cần nhỏ thêm nước muối và dùng bông gòn lấy nhẹ nhàng, không tì mạnh gây tổn thương mắt của trẻ.
2. Vệ sinh mũi
Mũi là bộ phận liên quan đến hệ hô hấp của con nên cần phải được làm sạch thường xuyên. Tuyệt đối không được dùng ngón tay hoặc móng tay để lấy gỉ mũi vì như thế dẫn dễ làm tổn thương đến màng mũi mỏng manh của con.
Thực hiện theo bước sau:
- Gấp khăn giấy theo hướng dẫn: gấp làm 4 phần, xoắn nhẹ một góc của khăn giấy lại.
- Sau đó một tay mẹ giữ phần đầu của con nhẹ nhàng, một tay cầm khăn giấy và đưa phần nhọn đã xoắn vào trong mũi bé xoắn để làm sạch mũi.
- Nếu cảm thấy chưa sạch, mẹ có thể thực hiện lại lần hai.
Lưu ý: Xoắn theo chiều xoắn của khăn giấy để bụi bẩn và gỉ mũi bị cuốn vào trong kẽ xoắn của khăn giấy.
Ngoài khăn giấy, mẹ cũng có thể dùng loại khăn mềm, mỏng dành cho trẻ sơ sinh và làm tương tự với 1 góc của khăn.
3. Vệ sinh tai
Dùng tăm bông để vệ sinh tai cho con là một cách làm sai lầm có thể gây tổn thương tai nghiêm trọng. Đã có rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ chỉ vì được cha mẹ dùng tăm bông để ngoáy tai.
Cách làm siêu đơn giản đó là: Dùng một chiếc khăn bông mỏng, xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai và tiếp tục xoắn lại theo chiều xoắn của khăn.
Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn và ra ngoài. Chiếc khăn mềm sẽ không làm hại đến màng tai của bé mà ráy tai vẫn được làm sạch.
Trong trường hợp ráy tai nhiều, vón cục, mẹ hãy dùng nước muối sinh lý nhỏ vào tai 1-2 giọt, 3-4 lần trong ngày để ráy tai mềm và vỡ ra. Sau đó thực hiện các bước như trên là được.
Bước cuối cùng là mẹ lau nhẹ nhàng quanh bên ngoài của mỗi tai và tuyệt đối không đeo bất kì thứ gì vào tai con bởi như thế rất dễ gây sưng tai.
Lưu ý: Nên dùng khăn có chất liệu mỏng, mềm mại để để tránh việc làm trầy xước tai.
4. Vệ sinh miệng
Miệng là bộ phận cơ thể tiếp xúc với thực phẩm. Nhiều người nghĩ rằng miệng trẻ sơ sinh sạch nên chắc không cần phải vệ sinh thường xuyên như các bộ phận khác, tuy nhiên, chính vì tiếp xúc với thực phẩm, lâu ngày sẽ dễ bị nhiễm khuẩn do thực phẩm còn sót lại gây nên.
Nhiều bà mẹ thường dùng cách rơ lưỡi cho con bằng quan niệm dân gian từ mật ong. Tuy nhiên, phương pháp này tuyệt đối CẤM vì mật ong có chứa thành phần có thể gây ngộ độc cho trẻ dưới 1 tuổi.
Để rơ lưỡi và làm sạch miệng cho trẻ sơ sinh, mẹ thực hiện theo cách sau:
Chuẩn bị: 1 chiếc khăn trắng sạch, mềm mại và 1 chậu/ cốc nước ấm
Thực hiện: - Trước khi làm sạch miệng cho con mẹ phải rửa sạch tay với xà phòng diệt khuẩn.
- Giặt trước khăn với nước sạch sau đó ngâm vào chậu/ cốc nước ấm
- Quấn một ngón tay vào khăn mềm và đưa vào miệng con, rơ lưỡi.
- Sau đó làm sạch phần vòm miệng. Đối với những trẻ đã mọc răng, mẹ nên làm sạch kĩ phần răng của con để tránh vi khuẩn còn tồn đọng lại trên lợi, nướu.
4 . Vệ sinh cổ
Phần cổ trẻ sơ sinh có khá nhiều các nếp nhăn khác nhau nên dễ để tồn đọng vết bẩn ở kẽ. Tương tự như các bước làm vệ sinh ở trên, đối với con sơ sinh cha mẹ chỉ nên dùng khăn mềm và nước ấm sạch để vệ sinh cổ.
Khi vệ sinh vùng cổ, mẹ nên vạch kĩ các lớp ngấn ở cổ để vệ sinh cho con. Lau nhẹ nhàng từ trái sang phải rồi ngược lại. Lau hết lần 1 nên làm sạch khăn và lau tiếp phần 2. Nếu con ngọ nguậy không chịu nằm yên cũng không sao vì càng giúp mẹ dễ dàng lau sạch được ở sâu bên trong ngấn cổ.
Tương tự với những lớp ngấn ở khu vực khác như háng, nách hoặc ngấn tay chân, mẹ cũng có thể làm theo cách này.
5. Vệ sinh móng tay
Móng tay trẻ sơ sinh rất nhanh dài và thường dính nhiều vết bẩn. Để làm sạch móng tay cho con thường khá khó vì trẻ sơ sinh luôn luôn trong tâm thế nắm chặt các ngón tay.
Dùng dụng cụ bấm móng tay của trẻ sơ sinh để bấm.
Nên chọn lúc con đang ngủ để bấm móng tay vì lúc này sẽ dễ cắt hơn, bé không phản kháng lại. Ngoài ra có thể nhờ một người khác trong nhà giữ ngón tay, còn mẹ thực hiện cắt để tránh gây nên những tổn thương không đáng có.
Sau khi cắt nên dùng phần mài ở dụng cụ cắt để mài cho mềm, tránh trường hợp móng tay quá sắc nhọn làm xước phần da non của chính con.