Liên quan đến vụ việc cháu bé 3 tuổi bị hàng xóm nhốt vào tủ đông khiến dư luận dậy sóng, mới đây, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã nói lên nhận định của mình.
- Vụ bé trai 3 tuổi bị đánh đập, cho vào tủ đông: Nghi phạm đối diện với mức án nào?
- Tường tận lời khai 'máu lạnh' của nghi phạm định thủ tiêu bé trai 3 tuổi, cho vào tủ đông
Theo thông tin từ báo Dân Trí, đêm ngày 13/8, khi được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khai thác từ gia đình cho biết, khoảng gần 18h ngày 13/8, gia đình phát hiện trẻ đang bị nhốt trong một thùng cát tông đặt trong tủ đông.
Lúc phát hiện trẻ đã tím tái toàn thân, không kêu khóc được, chân tay lạnh ngắt, được gia đình đưa đi cấp cứu. Tại thời điểm được chuyển đến từ Bệnh viện Sản nhi Hà Nam, bé trai được chẩn đoán: Suy Hô hấp/ Hạ thân nhiệt/ Chấn thương vùng đầu mặt cổ.
Theo công an Hà Nam, đối tượng bạo hành cháu bé là Nguyễn Trường Giang (cạnh nhà cháu Đ., ở xã Chính Lý) đã khai nhận cho cháu bé vào thùng các tông, cho vào tủ cấp đông rồi đóng cửa bỏ đi.
Theo thông tin từ VnExpress, ngày 14/8, đối tượng Nguyễn Trường Giang đã bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nam tạm giữ hình sự để làm rõ các hành vi liên quan cáo buộc Giết người.
Giang khai khoảng 15h20 ngày 13/8, bé trai hơn 3 tuổi ở nhà bên cạnh sang quán trà sữa của anh ta - địa điểm thuê của gia đình bé. Bé uống cốc trà sữa đang ở trên bàn, đi theo Giang vào quầy bếp lấy bánh quy, rồi lên giường ngồi ăn.
Giang khai "bực tức vì bị bé nhiều lần đòi chơi cùng" nên dùng chiếc chày kim loại ném mạnh một phát trúng đầu. Bé trai hơn 3 tuổi ngã ra sàn, khóc to. Dỗ nhiều lần không được, Giang ghì đứa trẻ ra sàn, bắt nằm yên. Khi bé trai khóc và gọi ông nội cứu, Giang dùng dây giày siết cổ, đặt trong thùng carton, đưa vào ngăn đá của tủ cấp đông. Sau đó, anh ta khoá cửa quán và đi xe máy về Hà Nội.
Theo thông tin từ VOV, liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối Việt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, xét thấy đối với hành vi bạo hành man rợ diễn ra liên tục và nhiều lần của bị can Nguyễn Trường Giang với cháu bé N.H.Đ khiến cháu bị tổn thương sọ não, tình trạng sức khỏe lâm vào nguy kịch thì có thể thấy đây dấu hiệu của hành vi “hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Căn cứ theo đó, trường hợp bị can phạm tội với người dưới 16 tuổi sẽ có thể bị phạt tù lên đến 03 năm về tội Hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Không chỉ vậy, hành vi của Nguyễn Trường Giang có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự với lỗi cố ý trực tiếp. Việc dùng chày đánh vào đầu, bóp cổ, dùng dây dù buộc, siết chặt lại phía sau gáy cháu N.H.Đ; tiếp đó đối tượng bịt miệng, bóp cổ và đập mạnh đầu cháu xuống sàn nhà làm N.H.Đ bất tỉnh, không những vậy còn trói và nhốt cháu N.H.Đ vào tủ đông là hành vi hoàn toàn có mục đích giết người. Bởi cháu N.H.Đ không có khả năng tự vệ, phản kháng.
“Nếu chứng minh được hành vi độc ác của Nguyễn Trường Giang là vì mục đích chấm dứt sự sống của cháu N.H.Đ thì bị can vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người". Trong trường hợp này, theo luật sư Hùng, đây là tội giết người chưa đạt. Hậu quả chết người chưa đạt được là do nguyên nhân khách quan, do có người cứu sống nạn nhân (cháu N.H.Đ). Nếu sự việc không được ông cháu N.H.Đ phát hiện kịp thời thì tội giết người hoàn thành" - Luật sư Hùng cho hay.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.