Với ca nhiễm Covid-19 thứ 416: Chúng ta nhận ra, không thể chủ quan vì nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào

Xã hội 25/07/2020 17:53

Khi thế giới vẫn đang vật lộn chống dịch, Việt Nam đã may mắn trải qua 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, khiến nhiều người dân dường như quên hẳn cái tên "Covid-19". Hôm nay, nam bệnh nhân tại Đà Nẵng đã được khẳng định dương tính Covid, khiến nhiều người dân nhận ra nguy cơ vẫn luôn rình rập.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ cùng sự đồng lòng chống dịch của người dân, 99 ngày qua, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn Covid-19 bùng phát. Trong khi bạn bè quốc tế vẫn đang lo lắng trước dịch bệnh, cuộc sống của người dân Việt Nam bắt đầu ổn định trở lại, nền kinh tế dần dần phục hồi với những biện pháp kích cầu du lịch nội địa.

Thế nhưng, sự ổn định đó đã bị phá vỡ khi hôm qua (24/7), bệnh nhân T.V.D. (57 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã trải qua ba lần xét nghiệm dương tính với Covid-19. Tới nay (25/7), bệnh nhân đã được khẳng định dương tính với nCoV sau khi có kết quả xét nghiệm lần 5.

Với ca nhiễm Covid-19 thứ 416: Chúng ta nhận ra, không thể chủ quan vì nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào - Ảnh 1

Ngay sau khi phát hiện ca nghi nhiễm, Bệnh viện C Đà Nẵng đã tiến hành phong tỏa. Hơn 50 người liên quan tới ca bệnh được đưa đi cách ly, 102 người được lấy mẫu xét nghiệm.

Tối 24/7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND TP và các Sở, ngành liên quan. Ông Thơ khẳng định, Đà Nẵng đã kích hoạt đồng loạt mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở mức cao nhất.

Ngày 24/7, Đà Nẵng phát hiện một ca nghi nhiễm Covid-19. Đến sáng 25/7, bệnh nhân này được khẳng định dương tính với SARS-COV-2, trở thành ca bệnh số 416.

Với ca nhiễm Covid-19 thứ 416: Chúng ta nhận ra, không thể chủ quan vì nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào - Ảnh 2

Ông Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ dẫn đầu đoàn công tác có buổi kiểm tra khu vực sinh sống của ca bệnh nhiễm Covid-19 sống.

Trước đó, ngày 22/7, do ho và mệt nên bệnh nhân D. đến Bệnh viện C Đà Nẵng khám, được chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Kết quả xét nghiệm lần 1, lần 2 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) và xét nghiệm lần 3 của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy kết quả dương tính với virus corona.

Sáng ngày 25/7, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, có kết quả khẳng định bệnh nhân D. dương tính với SARS-COV-2.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện vẫn chưa tìm được nguồn lây bệnh, ngành y vẫn đang nỗ lực truy vết để tìm ra nguồn lây để có biện pháp rõ ràng.

Có thể thấy, Covid-19 vẫn có thể lây lan tại Việt Nam bất cứ lúc nào, tạo ra làn sóng thứ hai mà chúng ta đã cố gắng ngăn chặn. Nếu theo dõi thông tin trên báo đài, nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, hoặc trốn cách ly khi nhập cảnh từ nước ngoài về vẫn xuất hiện, không chỉ một mà nhiều lần.

Với ca nhiễm Covid-19 thứ 416: Chúng ta nhận ra, không thể chủ quan vì nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào - Ảnh 3

Người đàn ông bị phát hiện trốn trong tủ lạnh khi nhập cảnh qua cửa khẩu.

Mới đây nhất, Việt Nam phát hiện hai khách Trung Quốc dùng giấy tờ giả định lên máy bay đi Hà Nội - TPHCM. Dù các cơ quan chức năng luôn nỗ lực ngăn chặn, nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng này là những người dễ lây nhiễm nhất cho cộng đồng nếu mắc Covid.

Không thể kiểm soát hoàn toàn những người nhập cảnh, Việt Nam sẽ vẫn còn nhiều "cửa" cho Covid-19 xâm nhập. Trong khi đó, nhiều người dân lại đang có thái độ chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.

Sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều người đã bắt đầu quên đi sự tồn tại của dịch bệnh ngoài kia. Và những chiếc khẩu trang cũng dần vắng bóng.

Với ca nhiễm Covid-19 thứ 416: Chúng ta nhận ra, không thể chủ quan vì nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào - Ảnh 4

Đang mùa du lịch nên những ngày qua, tại các bãi biển Mỹ Khê, T20, Phạm Văn Đồng,... (Đà Nẵng) luôn đông người đi tắm biển lúc sáng sớm.

Tại nhiều trung tâm thương mại, các khu vui chơi, nhiều người dân không còn đề phòng dịch như trước. Tại một số toà cao ốc, văn phòng, nước rửa tay cũng không còn được trang bị sẵn sàng.

Ở các nhà ga sân bay, hiện tại hành khách vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang nhưng nhiều người, chỉ khi được yêu cầu mới bắt đầu thực hiện.

Trên các phương tiện công cộng như xe buýt, trước đây nếu hành khách không mang khẩu trang xe không được phép lên xe. Hiện tại, hầu như không còn nhiều người sử dụng khẩu trang, nước rửa tay trên loại hình giao thông công cộng này nữa.

Với ca nhiễm Covid-19 thứ 416: Chúng ta nhận ra, không thể chủ quan vì nguy cơ rình rập bất cứ lúc nào - Ảnh 5

Chỉ cần một người mắc bệnh và nhiều sự chủ quan, dịch bệnh nay sẽ dễ dàng bùng phát với tốc độ nhanh hơn trước.

Hôm nay, ca nhiễm Covid-19 số 416 - ca lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau gần 100 ngày tại Việt Nam - như một lời cảnh báo với toàn bộ chúng ta, rằng cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn dài kỳ, tất cả mọi người đừng vội chủ quan. Hãy nâng cao cảnh giác và luôn thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của chính mình, để bảo vệ thành quả chống dịch đã rất tốt của cả nước trong thời gian trước.

 

 

Thủ tướng: Cần hết sức bình tĩnh nhưng không chủ quan

Sáng nay, 25/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 báo cáo tình hình và đưa ra các biện pháp trong bối cảnh bệnh nhân ở Đà Nẵng được khẳng định dương tính với SARS-COV-2, trở thành ca bệnh số 416.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, đề nghị Bộ Y tế báo cáo tình hình, nhất là trường hợp ở Đà Nẵng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cần hết sức bình tĩnh, có lối đi cách làm nghiêm túc để ngăn ngừa có hiệu quả, không để lây lan ra cộng đồng. Cần có phương thức chỉ đạo bài bản, quyết liệt, kịp thời và đưa ra một số quyết sách cần thiết trong thời gian tới, nhất là TP. Đà Nẵng, khu vực miền Trung cũng như các đô thị lớn.

3 biện pháp phòng dịch người dân cần ghi nhớ!

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo người dân vẫn tự chủ động phòng bệnh. Ba biện pháp phòng bệnh cần nhớ đó là đeo khẩu trang, rửa tay và tránh tiếp xúc gần.

Đặc biệt, bác sĩ Khanh cho rằng mọi người cần tập thói quen che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Trước những thông tin về dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng trong khi người dân đang vào mùa du lịch. Bác sĩ Khanh cho rằng mỗi người hãy tự giữ biện pháp bảo vệ chính mình. Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh cần bảo vệ cả gia đình. Người trẻ nên bảo vệ người già bởi Covid-19 ở người già nguy hiểm hơn người trẻ.

Nếu người trẻ tiếp xúc với virus có thể không có triệu chứng, biểu hiện của bệnh nhưng sẽ là nguồn lây cho người tiếp xúc. Ngoài ra, bác sĩ Khanh cũng khuyến cáo người dân nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Qua trường hợp này, bác sĩ Khanh khuyến cáo làn sóng thứ hai có tới hay không đều phụ thuộc vào chính từng cá nhân, từng cơ quan, tổ chức.

 

Bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng đang phải thở máy, tình trạng sức khỏe suy yếu, diễn tiến nặng

Bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng đã được chuyển đến chăm sóc đặc biệt tại Khoa y học nhiệt đới trong tình trạng diễn tiến nặng, phải thở máy.

TIN MỚI NHẤT